[Giải Đáp] Cơ Hội Việc Làm Ngành An Toàn Thông Tin
Ngành An Toàn Thông Tin hiện nay ngày càng phát triển mạnh mẽ không chỉ ở thị trường trong nước mà ngay cả ở thị trường Quốc tế dẫn tới cơ hội việc làm cho Ngành An Toàn Thông Tin càng mở rộng. Vậy tại sao lại phát triển đến vậy chúng ta cùng tìm hiểu ngay nhé!
1. Tìm Hiểu Về Ngành An Toàn Thông Tin
An toàn thông tin là gì? Là một hành động ngăn cản, phòng ngừa sử dụng, truy cập, tiết lộ, phát tán, chia sẻ, ghi lại hay phá hủy thông tin khi chưa có sự cho phép. Hiểu một cách dễ nhất, An toàn thông tin là dùng để bảo vệ thông tin số, các hệ thống thông tin để chống lại các nguy cơ tự nhiên, hành động truy cập, sử dụng, phá hoại, sửa đổi, phát tán và phá hủy bất hợp pháp nhằm đảm bảo các hệ thống thông tin thực hiện đúng chức năng đúng đối tượng một cách sẵn sàng, chính xác và tin cậy.
Chương trình đào tạo ngành An toàn thông tin cung cấp cho sinh viên kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp về lĩnh vực Công nghệ thông tin qua các môn an toàn thông tin, môn khoa học máy tính và đặc biệt chuyên sâu về lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin để giúp sinh viên có đủ vốn kiến thức để thực tập chuyên ngành công nghệ thông tin nói chung và thực tập chuyên ngành an toàn thông tin nói riêng. Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẵn sàng đáp ứng ngay các yêu cầu thực tế công việc. Cử nhân sau khi tốt nghiệp có khả năng làm việc ở các đơn vị chuyên về Công nghệ thông tin nói chung và về an toàn, an ninh thông tin nói riêng, cũng như tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng Công nghệ thông tin như cơ quan hành chính, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, viễn thông…Hơn nữa, có thể học tiếp lên các chương trình sau đại học trong lĩnh vực Công nghệ thông tin.
2. Cơ Hội Việc Làm Ngành An Toàn Thông Tin
Câu hỏi ngành an toàn thông tin ra làm gì? Mức lương ngành an toàn thông tin ra sao? luôn luôn là một trong những câu hỏi mà hầu hết sinh viên sắp ra trường cực kì lo lắng. Nhưng đối với sinh viên ngành an toàn thông tin thì không khó để trả lời bởi lẽ, ngành An toàn thông tin rất được các cơ quan, nhà máy và doanh nghiệp quan tâm, thậm chí bạn có thể làm việc cho công ty đa quốc gia cùng với một mức lương vô cùng khủng nếu có năng lực.
2.1. Chuyên Viên Phân Tích Và Bảo Mật Thông Tin
Chuyên viên phân tích bảo mật chính là một cá nhân chịu trách nhiệm chính ở việc duy trì và bảo quản tính bảo mật, bí mật của cơ sở dữ liệu kỹ thuật số cho các công ty, tổ chức hoặc một cá nhân nào đó. Một nhà phân tích bảo mật thông tin phải có kiến thức về mọi khía cạnh về các thông tin, bảo mật Internet trong hệ thống của tổ chức.
Để có thể trở thành một nhà phân tích bảo mật thông tin, trước tiên bạn sẽ phải cần một bằng cử nhân về lĩnh vực khoa học máy tính, kỹ thuật lập trình, bất kỳ lĩnh vực khác liên quan đến bảo mật hệ thống Internet, đây chính là điều kiện tiên quyết.
Sau đây là một số kỹ năng cần có mà một chuyên viên phân tích bảo mật thông tin cần có:
- Kỹ năng giải quyết các vấn đề hiệu quả và nhanh chóng.
- Khả năng phân tích, tư duy logic cùng với sự hiểu biết rộng, chính xác về các hệ thống máy tính khác nhau.
- Có kiến thức về tiêu chuẩn bảo mật, quy tắc và quy định trong lĩnh vực và các mối đe dọa bảo mật mới trong không gian mạng.
- Có khả năng thiết kế , kiểm tra và thực thi kế hoạch và chính sách khôi phục sau thảm họa an ninh mạng.
- Có kỹ năng xác định rủi ro trên hệ thống xử lý dữ liệu bằng cách sử dụng thử nghiệm thực tế.
- Chuyên môn vững vàng trong cài đặt tường lửa và phần mềm bảo mật hoặc mã hóa dữ liệu khác.
Từ khi nhu cầu về tuyển dụng đối với vị trí bảo mật thông tin tăng cao, mức thu nhập trung bình cho nhà phân tích bảo mật thông tin là 86,170 đô la một năm. Trong khi đó, mức thu nhập trung bình của người dân Hoa Kỳ tính đến năm 2012 là 34.750 đô la một năm.
2.2. Chuyên Viên Phần Mềm
Chuyên viên phần mềm (Kỹ sư máy tính) là người thực hiện công việc thiết kế, phát triển, chạy các ứng dụng phần mềm, hệ thống máy tính. Đó là những người trực tiếp phát triển ứng dụng máy tính cho những khách hàng cũng như các hệ thống lớn giúp máy tính và tất cả máy móc doanh nghiệp hoạt động.
Công việc của một chuyên viên phần mềm bao gồm:
- Tiếp nhận các yêu cầu điều chỉnh/phát triển phần mềm từ các trưởng nhóm/trưởng phòng và sau đó phân tích yêu cầu, xây dựng kế hoạch triển khai.
- Các kỹ sư máy tính, chuyên viên phần mềm có nhiệm vụ lập trình phát triển phần mềm, xây dựng và thiết kế các báo cáo để đáp ứng đúng yêu cầu kinh doanh.
- Hỗ trợ các bộ phận phân tích nghiệp vụ ở doanh nghiệp trong những vấn đề liên quan đến kỹ thuật để có thể tối ưu và phát triển phần mềm.
- Tiếp nhận, thực hiện chuyển giao công nghệ từ nhà cung cấp và đưa ra giải pháp.
- Tham gia nghiên cứu triển khai sản phẩm, tìm hiểu, cập nhật và đề xuất vấn đề liên quan đến việc duy trì/xây dựng/phát triển của phần mềm, triển khai phần mềm, hệ thống kết nối của công ty.
Vị trí chuyên viên phần mềm có mức lương rơi vào khoảng 25 – 40 triệu đồng/tháng tuỳ theo trình độ năng lực, kinh nghiệm của mỗi người và quy mô của doanh nghiệp.
2.3. Các Công Việc Khác
Ngoài một số công việc ở phía trên khi theo học Ngành An toàn thông tin bạn có thể tham khảo một số vị trí như:
- Chuyên viên tư vấn an toàn thông tin mạng
- Chuyên viên chuyên điều tra các tội phạm mạng
- Giảng viên
- Làm việc tại các cơ quan, các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin.
Kết luận: Cơ hội việc làm ngành An toàn Thông tin liệu có được đảm bảo sau khi học ra trường đó luôn là băn khoăn của nhiều phụ huynh và sinh viên khi chọn lựa ngành An toàn Thông tin làm nghề nghiệp tương lai trong những năm cuối cấp. Hy vọng bài viết phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.