Seminar tháng 12 của nhóm NCM: Ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp

Ngày 24/12/2024, tại Phòng họp khoa Công nghệ thông tin đã diễn ra buổi Seminar khoa học tháng 12 do nhóm nghiên cứu mạnh: “Ứng dụng Công nghệ thông tin trong nông nghiệp” tổ chức.

Tham dự buổi seminar có sự góp mặt của các thầy/cô thành viên nhóm nghiên cứu mạnh và thầy PGS.TS. Trịnh Lê Hùng – Học viện Kỹ thuật quân sự, giảng viên và sinh viên trong khoa.

Buổi seminar gồm 4 chủ đề được trình bày:

Mở đầu buổi Seminar, PGS.TS. Trịnh Lê Hùng – Học viện Kỹ thuật quân sự trình bày chủ đề: “Mô hình hóa xu hướng phát triển sử dụng đất/lớp phủ khu vực đô thị sử dụng dữ liệu viễn thám và các mô hình trí tuệ nhân tạo”. Nội dung báo cáo giới thiệu tổng quan tình hình nghiên cứu biến động đất/lớp phủ (LU/LC) ứng dụng ảnh viễn thám trong và ngoài nước đồng thời trình bày về hệ thống vệ tinh Landsat và dữ liệu thu thập được từ hệ thống vệ tinh này. Sử dụng ảnh viễn thám từ hệ thống vệ tinh Landsat, nhóm nghiên cứu xây dựng bộ dữ liệu đầu vào về đất/lớp phủ để huấn luyện các mô hình học máy. Cuối cùng báo cáo này trình bày về đề xuất lựa chọn mô hình dự báo biến động lớp phủ/sử dụng đất khu vực thành phố Hồ Chí Minh từ dữ liệu viễn thám và GIS trên cơ sở mô hình toán học CA và các kỹ thuật học máy cũng như kết quả nhóm đã đạt được.

PGS.TS. Trịnh Lê Hùng – Học viện Kỹ thuật quân sự trình bày báo cáo

Tiếp theo chương trình,  ThS. Hoàng Thị Hà trình bày báo cáo với chủ đề: “It business analyst và xu hướng nghề nghiệp”. Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng phổ biến, vai trò của các chuyên gia IT Business Analyst (IT BA) ngày càng trở nên quan trọng và đang trở thành một nghề được nhiều nhà tuyển dụng quan tâm với mức thu nhập tốt. IT Business Analyst đóng vai trò trung gian giữa các nhóm kỹ thuật và Khách hàng. Công việc chính của IT BA tập trung vào việc tìm hiểu yêu cầu kinh doanh, phân tích quy trình, và chuyển đổi các yêu cầu đó thành các giải pháp kỹ thuật phù hợp cho các dự án công nghệ thông tin. Nội dung báo cáo trình bày tổng quan về IT BA, vai trò, công việc, kỹ năng và những khó khăn thách thức của vị trí IT BA, cũng như cô hội việc làm và xu hướng phát triển.

ThS. Hoàng Thị Hà trình bày báo cáo

Tiếp théo, ThS. Trần Trung Hiếu  trình bày báo cáo “Một giải pháp điểm danh người học tận dụng nguồn lực sẵn có ở các trường Đại học”. Nội dung báo cáo đã trình bày tổng hợp quá trình  phân tích hoạt động điểm danh, nguồn lực máy Server, Smartphone, Internet của giảng viên và học viên nhằm mục tiêu đưa ra được giải pháp công nghệ thông tin tận dụng các nguồn lực sẵn có, tối ưu hóa chi phí, tiện dụng đáp ứng nhu cầu điểm danh cho học viên và giảng viên. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công một Website sử dụng công nghệ Spring Boot Restful Web Services, ReactJS, SignaturePad, các thuật toán phát hiện khuôn mặt MTCNN (Multi-Task Cascaded Convolutional Neural Networks), trích chọn đặc trưng Facenet, huấn luyện mô hình nhận dạng SVC (Support Vector Classification) hỗ trợ giảng viên và học viên có thể điểm danh dựa trên các nguồn lực sẵn có.

ThS. Trần Trung Hiếu trình bày báo cáo

Cuối cùng, ThS. Lê Thị Nhung trình bày báo cáo “Phát hiện ong mang phấn từ hình ảnh và vấn đề mất cân bằng dữ liệu”. Phát hiện ong mang phấn trong các ảnh được trích xuất từ video quay tại cửa tổ ong là bài toán có ý nghĩa, cho phép bổ sung các thông tin về sức khỏe đàn ong. Các mô hình học sâu tiên tiến gần đây đã được sử dụng để giải quyết bài toán này. Trong quá trình huấn luyện mô hình phát hiện, tồn tại vấn đề mất cân bằng dữ liệu theo đó số lựợng ong mang phấn ít hơn rất nhiều so với số lượng ong không mang phấn. Báo cáo đã đề cập đến 3 đề xuất của Nguyễn Đình Tú và cộng sự (2024) cho phép giải quyết vấn đề mất cân bằng dữ liệu trong phát hiện ong mang phấn từ hình ảnh.

ThS. Lê Thị Nhung trình bày báo cáo

Nội dung của các chủ đề trình bày đều có tính mới và được ứng dụng nhiều vào khoa học kỹ thuật hiện nay. Mỗi chủ đề khoa học được trình bày đều nhận được những ý kiến trao đổi, thảo luận, đóng góp nhiệt tình của các thầy cô giáo và các em sinh viên. Buổi seminar đã đem lại nhiều cách nhìn khác nhau về công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo trong thời đại chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Đồng thời cũng mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới trong thời gian tới cho các thành viên trong nhóm nghiên cứu và các em sinh viên. Kết quả thảo luận của buổi seminar làm cơ sở để định hướng, xác định chiến lược khoa học công nghệ và kết nối hợp tác của khoa Công nghệ thông tin trong thời gian tới.

Khoa Công nghệ thông tin