Chia sẻ các ngành nghề thuộc lĩnh vực ngành Công nghệ thông tin – IT 2024

Trong thời đại công nghệ bùng nổ và len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống như hiện nay, việc theo đuổi ngành Công nghệ thông tin đang dần trở thành lựa chọn phổ biến của rất nhiều bạn trẻ. Hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp dù hoạt động trong lĩnh vực gì cũng cần một đội ngũ kỹ thuật có chuyên môn liên quan đến ngành này.

Hơn nữa, phạm vi của ngành này cũng rất rộng nên các bạn trẻ hoàn toàn có khả năng lựa chọn những hướng đi phù hợp cho bản thân. Vậy thì ngành Công nghệ thông tin có những công việc gì? Cơ hội việc làm hấp dẫn như thế nào? Các ngành nghề thuộc lĩnh vực ngành Công nghệ thông tin ra sao? Tất cả sẽ được  giải đáp ở bài viết này.

Tổng quan về ngành công nghệ thông tin

Công nghệ thông tin (Information Technology – IT) là ngành sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để lưu trữ, chuyển đổi, thu thập, xử lý, bảo vệ và truyền thông tin. Mục đích của khối khoa học tổng hợp liên ngành này là nhằm phát triển khả năng tạo mới, sửa chữa và sử dụng hệ thống các thiết bị, máy tính bao gồm phần cứng, phần mềm để cung cấp giải pháp xử lý thông tin trên nền công nghệ cá nhân hoặc tổ chức có yêu cầu.

Ngày nay, bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào cũng cần sự góp mặt và hỗ trợ của Công nghệ thông tin. Nhu cầu xã hội đối với sản phẩm của ngành rất đa dạng, từ những ứng dụng của một chiếc điện thoại cá nhân cho đến phần mềm quản lý của một trường học, một ngân hàng, một công ty bất động sản, một hãng hàng không hay toàn bộ hệ thống an ninh quốc phòng của một quốc gia.

 

Ngành Công Nghệ Thông Tin làm những công việc gì?

Nhắc đến IT chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến các cụm từ như “lập trình viên”, “website”, “an ninh mạng”… Tuy nhiên không chỉ có web, ngành công nghệ thông tin còn bao gồm cả lập trình game, ứng dụng điện thoại và tất tần tật những thứ liên quan đến máy tính và dữ liệu. Do đó lựa chọn công việc trong ngành này khá phong phú. Sau đây là 8 công việc ngành công nghệ thông tin phổ biến nhất hiện nay để các bạn tham khảo.

Lập trình web (Web developer)

Công việc chính của một chuyên viên lập trình website là xây dựng, duy trì web và ứng dụng web. Đa phần họ tập trung vào phần mềm và cơ sở dữ liệu của web (back-end), nhưng cũng có một số nhà lập trình làm việc với giao diện và thiết kế hình ảnh web (front-end) hoặc kết hợp cả hai (full stack).

Người lập trình web có thể làm việc cho một công ty (agency) hoặc nhận việc tự do (freelance). Công việc của họ rất đa dạng với vô vàn dự án có thể làm cùng lúc và nhiều cuộc gặp với khách hàng. Tuy nhiên dù thế nào thì nhiệm vụ cơ bản của một nhà lập trình/phát triển web là tạo ra những sản phẩm đáng tin cậy, dễ dàng tiếp cận và đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Cơ hội thăng tiến của công việc này rất rộng mở. Bạn có thể bắt đầu từ một chuyên viên phát triển web nhỏ, tiến dần lên chuyên viên cấp cao và nếu làm tốt có thể làm đến trưởng phòng phát triển, giám đốc kỹ thuật hay phó chủ tịch công nghệ.

Một số công việc cụ thể

  • Viết code bằng một hay nhiều ngôn ngữ lập trình hay lệnh (như PHP, JavaScript…)
  • Thiết kế nền tảng cho thành phần của một ứng dụng
  • Giải quyết lỗi trong lúc kiểm thử hay từ người dùng phản hồi lại
  • Kiểm tra các tính năng mới nhằm đảm bảo chúng thực hiện đúng nhiệm vụ trong mọi trường hợp
  • Phối hợp, đóng góp cho các dự án mã nguồn mở (Open Source)
  • Xây dựng lại câu trúc và tối ưu hóa code đang tồn tại
  • Xây dựng, duy trì cơ sở dữ liệu, cập nhật xu hướng và cải tiến mới trong phát triển web, v.vv..

Kiến thức, kỹ năng cần có

  • Kiến thức kỹ thuật trong các lĩnh vực như ngôn ngữ máy chủ, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, nền tảng ứng dụng website, bảo mật web và mã hóa.
  • Bằng cấp chuyên môn về tin học, khoa học máy tính, kỹ sư phần mềm, thiết kế và phát triển web.
  • Kỹ năng cần thiết: chú trọng vào chi tiết, tư duy logic, khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm, chịu được áp lực cao để hoàn thành đúng deadline…

Lập trình viên Front-end (Front-end Developer)

Lập trình viên front-end là những người lập trình code nhằm tạo nên giao diện (bộ mặt) của website, duy trì mọi thứ được kết nối đúng đắn để thuận tiện cho người dùng và đảm bảo giao diện có thể chạy trên bất kỳ nền tảng, trình duyệt nào.

Con đường phát triển sự nghiệp của công việc này cũng từ những nhà lập trình nhỏ cho đến chuyên viên cao cấp và giám đốc phát triển.

Một số trách nhiệm chính

  • Quản lý những gì người dùng thấy đầu tiên trên trình duyệt
  • Phân tích code, thiết kế, gỡ rối cho ứng dụng, đảm bảo trải nghiệm của người dùng được liên tục
  • Kiểm thử và sửa chữa lỗi
  • Chịu trách nhiệm về thiết kế cuối cùng của web, v.vv..

Kiến thức, kỹ năng cần có

  • Kiến thức chuyên môn về HTML (Hyper Text Markup Language – ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản), CSS (Cascading Style Sheets – tập tin định kiểu theo tầng), ngôn ngữ lập trình Javascript, Javascript frameworks, jQuery, v.vv..
  • Kỹ năng cần thiết: trình độ ngoại ngữ tốt, kỹ năng giải quyết vấn đề, phân tích thông tin, kết hợp ăn ý với bộ phận back-end, v.vv..

 Chuyên viên quản trị an ninh mạng (Cyber security specialist)

Một chuyên viên an ninh mạng phải luôn hiểu được những mối nguy hại đến an ninh thông tin hay dữ liệu của một hay nhiều hệ thống phụ trách. Nhiệm vụ chính của họ là phân tích những sai phạm an ninh có thể xảy ra hoặc đang xảy ra để sửa chữa, hay còn gọi là vá lỗ hổng.

Con đường sự nghiệp: Chuyên viên an ninh mạng => Chuyên gia phân tích an ninh mạng (Cybersecurity Analyst)/ Kiểm thử bảo mật (Penatration Tester)/ Kiểm thử lỗ hổng (Vulnerability Tester) => Quản trị an ninh mạng (Cybersecurity Administrator)/ Kỹ sư an ninh mạng (Cyber Security Engineer), v.vv..

Một số trách nhiệm chính

  • Hỗ trợ tiền tuyến mạng lưới, bảo vệ thông tin khỏi xâm phạm thông qua phân tích nguy cơ tiềm tàng
  • Phát triển kế hoạch đối đầu với sự cố, đưa ra phương thức đo lường như tường lửa và mật mã hóa (encryption)
  • Thử nghiệm thâm nhập, tiến hành các kiểm tra sơ hở, đề xuất giải pháp vá lỗi
  • Thăm dò và kiểm tra lại hệ thống khi có dấu hiệu bất thường
  • Phối hợp với cảnh sát, cơ quan thực thi bảo mật để tiến hành bao vây, đánh trả tội phạm…

Kiến thức, kỹ năng cần có

  • Bằng cấp công nghệ thông tin như Khoa học máy tính, An ninh và quản trị mạng, Pháp y máy tính, Network và an ninh…
  • Một số chứng chỉ chuyên môn: CompTIA Security+, Chứng chỉ chuyên gia bảo mật hệ thống thông tin (CISSP), Chứng chỉ thực hành an toàn hệ thống (SSCP), Chứng chỉ quản lý an ninh thông tin (CISM), Chứng chỉ kiểm toán viên hệ thống thông tin (CISA), Cisco Certified Network Associate (CCNA), Chứng chỉ hacker đạo đức (CEH)…
  • Kỹ năng cần thiết: Tỉ mỉ, khả năng phân tích, nhận biết xu hướng, tư duy logic, khả năng tiếp cận chủ động, tổ chức tốt công việc, sáng tạo và kiên nhẫn, hiểu biết về các vấn đề bảo mật…

Kỹ sư kiểm định/ kiểm soát chất lượng (QA/QC Engineer)

Kiểm định chất lượng (Quality Assurance – QA) là hoạt động quản lý chủ động được sử dụng để đảm bảo chất lượng cho một sản phẩm công nghệ thông tin. QA bao gồm mọi kỹ thuật, hoạt động vận hành được dùng để hoàn thành các yêu cầu chất lượng chấp thuận bởi khách hàng hay bên liên quan trước khi dự án bắt đầu.

Kiểm soát chất lượng (Quality Control – QC) là việc kiểm tra hoạt động xuất ra nhằm đạt mức chất lượng được ấn định, quy trình phù hợp với dự án và được tiến hành đúng đắn, bên cạnh đó là test và kiểm tra code để đảm bảo giải pháp đáp ứng đòi hỏi đã chấp thuận.

Một số công việc cụ thể

  • Kiểm tra hằng ngày phạm vi đánh giá và đặc tính cần thiết để đạt yêu cầu trong bản vẽ và thông số kỹ thuật cho tất cả công trình theo hợp đồng thực hiện ON hoặc OFF site
  • Phối hợp với đại diện bên tư vấn và Site En-charge để kiểm tra và xem xét các khó khăn trong chất lượng, bao gồm cả báo cáo sai phạm về quy trình thực hiện
  • Xử lý các tài liệu QA/QC của toàn bộ dự án bao gồm hiệu chuẩn, các chứng nhận, kết quả test, chịu trách nhiệm cho các báo cáo về sai phạm trong quy trình và Site Instruction
  • Phát triển phương pháp thi công trong hoạt động, bao gồm tiếp cận rủi ro và phân tích an toàn môi trường, kế hoạch và bảng test kiểm định dựa trên đặc trưng dự án…

Kiến thức, kỹ năng cần có

  • Kiến thức chuyên môn về các quy trình phát triển phần mềm, công nghệ phần mềm (Software Engineering), công nghệ kiểm tra phần mềm (Software Testing), kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành như Thương mại điện tử (E-Commerce), Tiếp thị số (Digital Marketing), Hệ quản trị doanh nghiệp (ERP), v.vv..
  • Kỹ năng cần thiết: phân tích vấn đề, tư duy logic, tỉ mỉ, cẩn thận, kỹ năng giao tiếp, khả năng code, v.vv..

Nhà khoa học dữ liệu (Data Scientist)

Đây là một nhánh mới của chuyên gia phân tích dữ liệu. Gọi là “nhà khoa học” nhưng không phải làm việc trong phòng thí nghiệm. Công việc của họ là đào sâu và khai thác “mỏ” dữ liệu khổng lồ, hỗn độn thông qua phân tích, xử lý và tạo ra giá trị từ dữ liệu thành các insight.

Data Scientist là ngành rất hấp dẫn và thu hút nhân lực, nhưng không hề đơn giản để ai cũng có thể làm được. Bản chất của ngành này là sự kết hợp giữa kinh tế và khoa học, người nào nhạy bén và nắm bắt tốt sẽ thành công.

Một số công việc cụ thể

  • Thu thập lượng dữ liệu lớn và chuyển đổi thành format có thể sử dụng được
  • Làm việc với nhiều ngôn ngữ lập trình đa dạng như SAS, R và Python
  • Tìm kiếm cho thứ tự trong dữ liệu, tìm ra xu hướng mấu chốt cho doanh nghiệp
  • Sử dụng kỹ thuật điều khiển dữ liệu để giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp

Kiến thức, kỹ năng cần có

  • Hiểu biết vững chắc về thống kê, machine learning, deep learning, data mining, ngôn ngữ lập trình (SAS, R, Python…), báo cáo kỹ thuật, data visualization, Hadoop, MapReduce, MySQL, Postgres.
  • Kỹ năng cần có: ngoại ngữ tốt, khả năng giải quyết vấn đề, giao tiếp, sự kiên nhẫn, nhạy bén, lập trình giỏi…

Chuyên viên phát triển ứng dụng (App developer)

Công việc chính của chuyên viên phát triển ứng dụng là chuyển các yêu cầu phần mềm thành ngôn ngữ lập trình có thể làm việc được để duy trì và phát triển các chương trình sử dụng trong doanh nghiệp.

Đa phần chuyên môn của các chuyên viên phát triển ứng dụng tập trung vào một lĩnh vực cụ thể như ứng dụng điện thoại, phần mềm tính toán, phần mềm đồ họa, phần mềm tiện ích văn phòng. Các app có thể được viết cho một hệ điều hành cụ thể (Windows, Android…) hay cho nhiều nền tảng khác như máy tính và thiết bị điện thoại.

Một số công việc cụ thể

  • Xây dựng chi tiết chương trình làm việc thông qua thảo luận với khách hàng
  • Đề ra những giải pháp thích hợp với các vấn đề phát sinh
  • Vận hành, kiểm tra, ứng dụng chương trình vào sản xuất
  • Đơn giản hóa các đặc tả, dịch logic thành ngôn ngữ lập trình
  • Tiến hành đánh giá, tăng độ hiệu quả của chương trình
  • Viết tư liệu sử dụng, vận hành cho người dùng và nhà điều hành máy tính
  • Cập nhật, sửa chữa, điều chỉnh, phát triển các phần mềm sẵn có và ứng dụng thông thường

Kiến thức, kỹ năng cần có

  • Kiến thức chuyên môn và một số chứng chỉ liên quan như kỹ sư phần mềm/ khoa học máy tính, Toán – Tin, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, v.vv..
  • Nếu không có bằng cấp chính quy, bạn hoàn toàn có thể tham gia các khóa học online để được đào tạo sâu hơn và chứng minh trình độ
  • Kỹ năng cần thiết: lập trình tốt, sự tỉ mỉ, nhanh nhạy, sáng tạo, tư duy logic, phân tích, giải quyết vấn đề, làm việc tốt dưới áp lực, thành thạo ít nhất một ngoại ngữ…

Lập trình game (Game developer)

Công việc của một chuyên viên lập trình game là tham gia vào quá trình sáng tạo, sản xuất game trên nền tảng máy tính cá nhân, máy chơi game, điện thoại di động, máy tính bảng và các thiết bị cầm tay khác, hoặc các trò chơi online, trò chơi được cài đặt trong các máy ở trung tâm thương mại (arcade game).

Việc sản xuất game phải trải qua rất nhiều bước từ lên ý tưởng, sáng tạo cách chơi, thiết kế giao diện đến tạo hình nhân vật, đồ vật, hiệu ứng âm thanh, chuyển biến ngôn ngữ, test, v.vv.. Vì vậy, để có một game thành công, cần rất nhiều thời gian và một đội sản xuất giỏi.

Một số công việc cụ thể

  • Thiết kế ý tưởng ban đầu cho game, bao gồm cả gameplay
  • Truyền tải cốt truyện và bảng vẽ lại câu chuyện kể ra (storyboard)
  • Thiết kế hình ảnh game sử dụng 2D/3D và phần mềm đồ họa
  • Tạo các hiệu ứng âm thanh trong trò chơi
  • Lập trình game sử dụng sử dụng ngôn ngữ lập trình như C++
  • Test chất lượng và giải quyết các vấn đề xảy ra, sửa chữa lỗi
  • Phổ biến lại cách dùng, kiến thức cho khách hàng, người chơi game

Kiến thức, kỹ năng cần có

  • Có càng nhiều kiến thức, bằng cấp sau đây, cơ hội xin việc càng cao: phát triển trò chơi máy tính, họa sĩ hoạt hình, thiết kế đồ họa, khoa học máy tính, kỹ sư phần mềm, thiết kế đa phương tiện, v.vv..
  • Kỹ năng: thành thạo các ngôn ngữ lập trình, các gói phần mềm, khả năng làm việc độc lập lẫn kết hợp nhóm, sự tâm huyết, sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, v.vv..

 Cơ hội việc làm ngành Công nghệ Thông Tin

Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể xin việc ngành công nghệ thông tin tại:

  • Các công ty, tập đoàn về công nghệ thông tin của Việt Nam như FPT, Viettel, VNPT, Trung tâm công nghệ thông tin (EVN), Tổng công ty truyền thông đa phương tiện – VTC hoặc các tập đoàn đa quốc gia như Google, Apple, v.vv..
  • Các công ty cung cấp giải pháp tích hợp như HPT Vietnam, SAVIS, iNET Solutions, Tinhvan Group, CMC, TMA Solutions, GCS, KMS, Logigear Vietnam, FSOFT, Sunrise Software Solutions, v.vv..
  • Các công ty cung cấp giải pháp về mạng và an ninh mạng tại Việt Nam như BKAV, Trung tâm an ninh mạng Viettel, VNCS, CMC, Security Box, VSEC hoặc các tập đoàn đa quốc gia như Avira, Kaspersky Antivirus, v.vv..
  • Các công ty sản xuất, lắp ráp, sửa chữa trang thiết bị phần cứng.
  • Bộ phận Quản trị, IT tại các công ty trong hoặc ngoài lĩnh vực Công nghệ như giáo dục, y tế, thương mại điện tử, ngân hàng, giải trí, v.vv..
  • Giảng viên tại các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung tâm đào tạo Công nghệ thông tin.