Cơ hội việc làm dành cho kỹ sư phần mềm
Vị trí kỹ sư phần mềm là gì?
Kỹ sư phần mềm là một trong những vị trí công việc điển hình trong ngành công nghệ thông tin. Vị trí này có tên gọi tiếng Anh là Software Engineer.
Với vốn kiến thức chuyên môn vững chắc về ngôn ngữ lập trình, phát triển phần mềm và hệ điều hành máy tính, các Kỹ sư phần mềm có thể tạo ra và phát triển các sản phẩm phần mềm đa dạng hoặc các hệ thống với nhiều tính năng vượt trội.
Để tạo nên những sản phẩm hữu ích, có giá trị thực tiễn cho khách hàng, Kỹ sư phần mềm sẽ phải phân tích nhu cầu người dùng, cân đối nguồn lực công ty, hình thành ý tưởng thiết kế và tiến hành thực hiện. Kết quả nhận được chính là một giải pháp phần mềm có thể đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của khách hàng.
Bên cạnh đó, Kỹ sư phần mềm cũng vận dụng những kiến thức họ có về kĩ thuật toán học, khoa học, công nghệ, thiết kế để kiểm tra, đánh giá các phần mềm do họ hoặc người khác tạo ra. Sau khi kiểm tra phần mềm, họ có trách nhiệm duy trì độ tin cậy và hiệu quả của hệ thống phần mềm.
Vì một số lý do mà nhiều người thường nhầm lẫn giữa Kỹ sư lập trình và Lập trình viên. Tuy nhiên hai vị trí này khác nhau hoàn toàn về bản chất. Nếu như Kỹ sư phần mềm đảm đương việc thiết kế và xây dựng nên một phần mềm hay hệ thống máy tính thì Lập trình viên chịu trách nhiệm “mã hoá” các công đoạn phát triển phần mềm. Nói đơn giản thì Lập trình viên chỉ viết code còn Kỹ sư phần mềm phải làm rất nhiều công việc khác nhau.
Kỹ sư phần mềm được biết đến là những chuyên gia trong ngành công nghệ thông tin. Họ sở hữu nền tảng kiến thức vững chắc, chuyên sâu về công nghệ và thành thạo các kỹ năng quan trọng như quản lý, giao tiếp, tổ chức công việc, làm việc nhóm,…
Chính những yếu tố kể trên đã giúp họ hoàn thành các chức năng quan trọng của một Kỹ sư phần mềm, bao gồm phân tích, thiết kế, phát triển, đánh giá, kiểm thử và bảo trì các hệ thống máy tính hoặc bất cứ ứng dụng, chương trình phần mềm nào.
Quá trình phát triển, kiểm tra phần mềm thường đòi hỏi cao sự tư duy logic ở Kỹ sư phần mềm. Bất cứ một sai sót nhỏ nào cũng có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng nên ngay từ đầu họ đã phải xây dựng một cấu trúc rõ ràng. Bằng cách này, họ có thể rà soát liên tục trong quá trình triển khai, phát triển phần mềm để kịp thời phát hiện vấn đề.
Đồng thời, Kỹ sư phần mềm cũng cần liên tục đặt ra các câu hỏi, thử nghiệm và kiểm tra các ý tưởng của mình nhiều lần. Từ đó họ có thể xây dựng nên những phiên bản phần mềm tốt nhất và cải thiện chúng ngày một tốt hơn.
Nhiệm vụ của Kỹ sư phần mềm
Tùy thuộc vào từng công ty mà Kỹ sư phần mềm sẽ thực hiện những công việc khác nhau. Tuy nhiên, có một số nhiệm vụ chính mà kỹ sư nào cũng phải thực hiện:
– Xác định nhu cầu và mong muốn của khách hàng, từ đó đưa ra phương án phát triển hoặc nâng cấp sản phẩm phù hợp.
– Phát triển lưu đồ, bố cục và các tài liệu liên quan để xác định các yêu cầu và giải pháp phát triển phần mềm.
– Phân tích lợi nhuận, cấu trúc và dự tính kinh phí để tạo nên thiết kế tối ưu nhất cho ứng dụng.
– Thiết kế, cài đặt cấu hình phù hợp với việc lưu trữ hoặc di chuyển dữ liệu khi cần thiết.
– Soạn thảo tài liệu, hướng dẫn sử dụng cho người dùng và đối tác.
– Kiểm thử phần mềm, thu thập phản hồi từ tester để sửa chữa và khắc phục những lỗi hiện hữu.
– Hỗ trợ việc phát hành và quảng bá sản phẩm, đồng thời tiến hành thu thập, phân tích dữ liệu thị trường để cho ra đời các phiên bản tốt hơn của sản phẩm.
– Thực hiện công tác bảo trì, nâng cấp hệ thống.
Cơ hội việc làm dành cho kỹ sư phần mềm
Cho đến hiện tại, sức nóng của ngành Công nghệ thông tin (IT) vẫn chưa thuyên giảm. Trong đó vị trí Kỹ sư phần mềm luôn được đánh giá rất cao và là một trong những nghề không chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế.
Có thể thấy, cơ hội việc làm Kỹ sư phần mềm hiện rất lớn. Những bạn theo nghề này có thể làm việc tại các công ty phát triển phần mềm, công ty phát triển game hoặc các công ty tư vấn và thiết kế giải pháp công nghệ.
Ngoài các công ty công nghệ, Kỹ sư phần mềm còn có thể làm việc tại các công ty thuộc các lĩnh vực khác. Bởi vì rất nhiều công ty có nhu cầu xây dựng hệ thống quản lý để phục vụ công tác vận hành doanh nghiệp.
Bên cạnh cơ hội việc làm thì thu nhập của Kỹ sư phần mềm cũng rất hấp dẫn. Tại Việt Nam, mức lương của Kỹ sư phần mềm vào khoảng 1.000 – 1.500 USD/tháng. Các vị trí giám sát có lương từ 3.000 – 4.000 USD/tháng. Thậm chí, những Kỹ sư chỉ viết các chương trình phần mềm đơn giản cũng có thể đạt mức thu nhập từ 800 – 900 USD/tháng hoặc 1.200 USD/tháng.
Khoa Công nghệ thông tin – Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện đang đào tạo 3 ngành: Công nghệ thông tin, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Trong đó ngành Công nghệ thông tin có đào tạo hướng chuyên sâu Công nghệ phần mềm. Sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể trở thành kỹ sư phần mềm, làm việc tại các môi trường doanh nghiệp trong nước và quốc tế.