Chuyên ngành CNTT hướng ứng dụng

I. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO VÀ CHUẨN ĐẦU RA

1.1. Mục tiêu đào tạo

1.1.1. Mục tiêu chung

Chương trình đào tạo Thạc sỹ ngành Công nghệ thông tin (CNTT) định hướng ứng dụng, nhằm đào tạo học viên làm chủ kiến thức, đặc biệt có kỹ năng thực hành tốt, có chuyên môn cao trong lĩnh vực CNTT; có khả năng tự học, tự nghiên cứu độc lập sáng tạo, tư duy hệ thống đáp ứng yêu cầu công việc tại các cơ quan, công ty trong lĩnh vực CNTT trong nước, cũng như hội nhập với khu vực và thế giới; có nhân cách tốt, sức khỏe tốt.

1.1.2. Mục tiêu cụ thể

MT1: Quản lý, thực hiện các dự án CNTT ứng dụng trong các lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp, quản lý, … tại các cơ quan công lập, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, đáp ứng các yêu cầu thực tế tại các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy CNTT.

MT2: Cập nhật, làm chủ, ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật mới, tiên tiến trong ngành CNTT để nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu thay đổi của công việc và phát triển nghề nghiệp bền vững.

MT3: Có trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp, có động cơ tự học tập, nghiên cứu suốt đời, hiệu quả và sáng tạo, có thể học tiếp ở bậc tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, năng động, sáng tạo và chủ động trong công việc chuyên môn.

1.2. Chuẩn đầu ra

1.2.1. Kiến thức

+ Kiến thức chung

– CĐR1: Ứng dụng các kiến thức, phương pháp luận, kỹ thuật tiên tiến trong khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, toán học, tin học, ngoại ngữ vào lĩnh vực lĩnh vực CNTT một cách hiệu quả.

+ Kiến thức chuyên môn

– CĐR2: Ứng dụng các kiến thức, kỹ thuật về kiến trúc máy tính, mạng máy tính, mã hóa và truyền dữ liệu tiên tiến; các nguyên tắc thiết kế, mô hình, hệ CSDL nâng cao; các thuật toán, kỹ thuật lập trình; các kỹ thuật mô hình hóa, tối ưu hóa; và các phương pháp, kỹ thuật phát triển ứng dụng phần mềm đa môi trường, tiên tiến để phát triển một dự án CNTT trong thực tế.

– CĐR3: Thực hành nghiên cứu, ứng dụng những đặc thù riêng của dự án CNTT, qui trình, kỹ thuật thiết kế, triển khai và quản lý một dự án CNTT; các vấn đề hiện đại của CNTT nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

1.2.2. Kỹ năng

+ Kỹ năng chung

– CĐR4. Vận dụng kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng phản biện, tích hợp với kiến thức công nghệ và ứng dụng của điện toán đám mây, công nghệ WebGIS; kỹ năng quản trị mạng, giám sát và điều khiển để giải quyết những vấn đề cụ thể trong CNTT.

– CĐR5: Phối hợp làm việc nhóm với vai trò thành viên, lãnh đạo nhóm, phát huy trí tuệ tập thể, để đạt mục tiêu đề ra của dự án CNTT.

– CĐR6: Vận dụng kỹ năng giao tiếp đa phương tiện, thích nghi với môi trường đa văn hóa, cạnh tranh cao, đọc hiểu, viết tài liệu, trao đổi chuyên môn bằng tiếng Anh.

+ Kỹ năng chuyên môn

– CĐR7: Phân tích thiết kế hệ thống, lập trình thành thạo ít nhất một ngôn ngữ lập trình để xây dựng những sản phẩm CNTT đáp ứng nhu cầu của xã hội.

– CĐR8: Vận dụng lựa chọn, thẩm định các phương hướng, giải pháp kỹ thuật, xây dựng, quản lý, vận hành để đảm bảo an ninh, an toàn cho các hệ thống thông tin, khắc phục các sự cố phức tạp.

1.2.3. Năng lực tự chủ và trách nhiệm

– CĐR9: Thể hiện tinh thần khởi nghiệp, có động cơ học tập, nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến suốt đời, tự định hướng phát triển năng lực bản thân.

– CĐR10: Thể hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm nghề nghiệp, tuân thủ pháp luật và các nguyên tắc về nghề nghiệp, có ý thức bảo vệ môi trường.

II. ĐỐI TƯỢNG ĐÀO TẠO VÀ NGUỒN TUYỂN SINH

2.1. Đối tượng đào tạo

Người dự thi vào chương trình đào tạo thạc sĩ Ngành Công nghệ thông tin hướng ứng dụng cần thỏa mãn một trong các điều kiện sau:

Có bằng tốt nghiệp đại học ngành đúng và phù hợp nằm trong nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin, mã số 5248xxxx trong Danh mục Giáo dục đào tạo trình độ đại học, ban hành kèm theo Thông tư số 14/2010/TT-BGDĐT ngày 27/4/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo: Khoa học máy tính, Truyền thông và mạng máy tính, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Công nghệ thông tin;

Có bằng tốt nghiệp đại học ngành phù hợp: Tin học, Quản lý thông tin, Tin học ứng dụng, Toán tin ứng dụng, Tin học quản lý, Tin học công nghiệp, Sư phạm tin…;

Có bằng tốt nghiệp đại học ngành gần với ngành Công nghệ thông tin, đã học bổ sung kiến thức để có trình độ tương đương với bằng tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ thông tin. Điện tử viễn thông, Điều khiển tự động…

2.2. Nguồn tuyển sinh

2.2.1. Ngành đúng, phù hợp

Ngành tốt nghiệp đại học được xác định là ngành đúng, ngành phù hợp với ngành dự thi đào tạo trình độ thạc sĩ khi có cùng tên trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ hoặc chương trình đào tạo của hai ngành này ở trình độ đại học khác nhau dưới 10% tổng số tiết học hoặc đơn vị học trình hoặc tín chỉ của khối kiến thức ngành:

Công nghệ thông tin; Tin học; Khoa học máy tính; Công nghệ phần mềm; Kỹ thuật phần mềm; Hệ thống thông tin; Truyền thông và Mạng máy tính; Tin học ứng dụng; Tin học quản lý; Tin học công nghiệp; Toán Tin ứng dụng; Quản lý thông tin; Sư phạm Tin học.

2.2.2. Ngành gần

Các ngành gần gồm:

Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông; Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Công nghệ kỹ thuật máy tính; Kỹ thuật điện, điện tử; Kỹ thuật điện tử, truyền thông; Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Kỹ thuật máy tính.

Các ngành ngoài liệt kê ở trên được xác định là ngành phù hợp, ngành gần hay không dựa trên việc xem xét bảng điểm đại học, có các môn học liên quan đến các kiến thức cơ bản về Công nghệ thông tin và cơ sở Toán trong Tin học.

2.2.3. Ngành khác

Danh mục các học phần bổ sung kiến thức cho ngành gần

TT Tên học phần Số tín chỉ
1 Cấu trúc dữ liệu và giải thuật 3
2 Kỹ thuật lập trình 3
3 Cơ sở dữ liệu 3
4 Mạng máy tính 3
Tổng cộng 12

2.3. Phương thức tuyển sinh và điều kiện tốt nghiệp

2.3.1. Phương thức tuyển sinh

Xét tuyển theo Quy chế đào tạo thạc sĩ của Bộ giáo dục và Đào tạo, Quy định hiện hành về đào tạo trình độ thạc sĩ của Học Viện Nông nghiệp Việt Nam

2.3.2. Các môn xét tuyển sinh

Tin học cơ sở, Toán rời rạc, tiếng Anh.

2.3.3. Điều kiện tốt nghiệp

Theo Quy chế đào tạo thạc sĩ của Bộ giáo dục và Đào tạo, Quy định hiện hành về đào tạo trình độ thạc sĩ của Học Viện Nông nghiệp Việt Nam.

III. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

3.1. Khối lượng kiến thức tối thiểu và thời gian đào tạo theo thiết kế

Tổng số: 46 tín chỉ, thời gian đào tạo: 1,5 – 2 năm.

3.2. Cấu trúc chương trình đào tạo

TT Mã học phần Tên học phần Số TC Số TC dạy trực tiếp  
    Số TC học trực tiếp Số TC học trực tuyến
I   Học phần bắt buộc        
1 NLM7001 Triết học 3 2,0 1,0  
2 NNA7003 Tiếng Anh 2 1,0 1,0  
3 MHT7001 Mạng và truyền dữ liệu nâng cao 3 2,0 1,0  
4 MHT7002 Lập trình ứng dụng mạng 3 2,0 1,0  
5 MHT7007 Mã hóa và an toàn dữ liệu 3 2,0 1,0  
6 TOA7005 Thuật toán nâng cao 3 3,0 0,0  
7 CNP7008 Lập trình di động 3 2,0 1,0  
8 TDH7001 Điều khiển số 2 2,0 0,0  
    Tổng tín chỉ bắt buộc 22 16 6  
II   Học phần tự chọn        
9 MHT7011 Quản trị mạng nâng cao 3 2,0 1,0  
10 TOA7012 Thống kê nâng cao 3 3,0 0,0  
11 KHM7013 Phân tích dữ liệu lớn 3 2,0 1,0  
12 KHM7019 Xử lý ngôn ngữ tự nhiên 2 2,0 0,0  
13 CNP7015 Công nghệ WebGIS 3 3,0 0,0  
14 CNP7020 Công nghệ phần mềm nâng cao 3 2,0 1,0  
15 MHT7017 Điện toán đám mây 3 2,0 1,0  
16 MHT7021 Quản trị hệ thống thông tin nâng cao 3 2,0 1,0  
17 QMT7006 Quản lý môi trường tổng hợp 1 2 1,0 1,0  
18 QKT7004 Quản trị rủi ro nâng cao 2 2,0 0,0  
19 TDH7007 Hệ thống giám sát và điều khiển công nghiệp 2 2,0 0,0  
    Tổng số tín chỉ tự chọn 15 ≥9 ≤6  
III   Đề án tốt nghiệp        
    Học phần đề án bắt buộc 9 9 0  
20 CNTT7801 Học phần đề án 1 5 5 0  
21 CNTT7802 Học phần đề án 2 4 4 0  
    Học phần đề án bổ sung        
22 CNTT7803 Học phần đề án bổ sung 1 1 0  
    Tổng (I+II+III) 46 ≥33 ≤13  

Lưu ý: Việc chuyển đổi giữa giảng dạy trực tiếp và trực tuyến sẽ được vận dụng một cách linh hoạt tùy tình hình thực tiễn và phải tuân thủ đúng các quy định hiện hành.