Hình tượng rắn trong văn hoá Việt Nam
Nhân năm mới, xuân mới Ất Tỵ, theo văn hoá phương Đông là năm con Rắn. Bài viết này trình bày hình tượng rắn trong văn hoá Việt Nam.
![]() |
Rắn là hình tượng khá quen thuộc và rất đa dạng với những biến thể như: rắn, trăn, chằn tinh, giao long, thuồng luồng, thậm chí là rồng. Ở mỗi hình thức thể hiện hoặc mỗi biến thể, hình tượng rắn đều mang những ý nghĩa nhất định. Rắn đi vào câu truyện cổ tích, huyền thoại, phong tục tập quán, văn học nghệ thuật, mỹ thuật, tạo hình. Rắn xuất hiện với biến thể là giao long có thể tìm thấy trong truyền thuyết Lạc Long Quân, huyền thoại Linh Lang Vương…
![]() |
Có 11 chuyện cổ tích Việt Nam đề cập đến hình tượng rắn hoặc các biến thể của rắn như giao long, thuồng luồng, chằn tinh… Trong hầu hết các câu chuyện, rắn thường gắn với cái ác. Hình tượng con rắn trong dân gian thường tượng trưng cho hạng người xấu, lòng sâu dạ hiểm. Tuy nhiên cũng chính vì những đặc tính đó mà con người thần thánh hóa loài rắn, thờ cúng rắn như một vị thủy thần để cầu thân với rắn, mong rắn không làm hại người.
![]() |
Rắn không được xem là biểu tượng gắn với tôn giáo (trừ trường hợp Phật giáo của người Khmer sống ở Nam Bộ). Tục thờ rắn là một tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt cổ với hai ý nghĩa chính là tục thờ thủy thần. Tục thờ này mang ý niệm về sông nước của cư dân làm nông nghiệp. Các đền thờ rắn xuất hiện dọc theo các con sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống.
![]() |
Biểu tượng rắn thủy thần có hai thuộc tính: tốt và xấu. Rắn là vị thần nước giúp mưa thuận gió hoà, mang điềm lành và báo điềm dữ. Rắn là con vật tinh quái phá hoại mùa màng và cuộc sống của người dân. Hình tượng con chằn (một biến thể của rắn) trong văn hoá người Khmer Nam Bộ lại thể hiện cả hai mặt tốt và xấu: có vai trò bảo vệ con người nhưng đồng thời cũng đại diện cho tính ác, phá hoại cuộc sống bình yên của con người.
![]() |
Trong tiếng Việt, rắn được thể hiện qua nhiều câu tục ngữ, thành ngữ, cao dao, có thể kể đến là: Cõng rắn cắn gà nhà, Khẩu phật tâm xà, Đánh rắn phải đánh dập đầu, Đánh rắn động cỏ, Rồng rắn lên mây, Như rắn mất đầu, Miệng hùm nọc rắn, Hang hùm miệng rắn, Hùm thiêng rắn độc, Hùm tha rắn cắn, Vẽ rồng thêm rắn, Vẽ rắn thêm chân, Cha hổ mang đẻ con liu điu, Thẳng như rắn bò, Thao láo như mắt rắn ráo, Oai oái như rắn bắt nhái, Rắn đỗ nọc cho lươn, Hễ đi gặp rắn thì may/Về nhà gặp rắn thì hay phải đòn.
![]() |
Ban CTCT&CTSV sưu tầm