Hội thảo quốc tế IAAA 2025 – Truy cập không gian thông minh và ứng dụng: Đột Phá Công Nghệ Cho Nông Nghiệp & Đô Thị Việt Nam

Diễn ra từ ngày 16 đến 18/7 tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA), hội thảo quốc tế “Truy cập Không gian thông minh và Ứng dụng” (IAAA 2025) thu hút gần 50 đơn vị nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia công nghệ đến từ nhiều quốc gia như Canada, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… Hội thảo đã đặt công nghệ không gian vào trung tâm của những bài toán thời sự: nông nghiệp thông minh, đô thị kết nối, ứng phó biến đổi khí hậu.

Các nội dung chính được trình bày tại Hội thảo IAAA 2025 về các chủ đề: Phần cứng và đo lường không gian; Truy cập và ứng dụng không gian thông minh; Truyền thông và mạng lưới không gian; Quản lý chất lượng dịch vụ; Đảm bảo an ninh và quyền riêng tư; Cảm biến từ xa thông minh

Đột phá công nghệ từ bầu trời

Phát biểu tại lễ khai mạc, TS. Nguyễn Công Tiệp – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: “Hội thảo năm nay đặc biệt có sự tham gia của nhiều Giáo sư nổi tiếng đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới sẽ trình bày các bài keynote quan trọng, mở ra các xu hướng nghiên cứu và hợp tác mới. Tôi tin tưởng rằng qua đó, chúng ta sẽ mở ra các hướng hợp tác mới giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế”

TS. Nguyễn Công Tiệp – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Đặc biệt, một trong những chủ đề nổi bật được chia sẻ tại buổi hội thảo là bài trình bày của GS. Dương Quang Trung. Giáo sư Trung công tác tại Đại học Memorial ở Newfoundland (Canada) và Đại học Queen’s Belfast (Anh), là người Việt đầu tiên được Hiệp hội Điện, Điện tử quốc tế (IEEE) bổ nhiệm làm Tổng Biên tập một tạp chí khoa học uy tín bậc nhất IEEE Communications Surveys & Tutorials (IEEE COMST). Ông có gần 600 công trình nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật viễn thông và máy tính, mạng 5G và 6G.  Với uy tín học thuật và kinh nghiệm nghiên cứu tiên phong, GS. Dương Quang Trung đã mang đến hội thảo góc nhìn toàn diện và sâu sắc về ba lĩnh vực mũi nhọn: Tính toán lượng tử (Quantum Computing); Học máy (Machine Learning) và Mạng viễn thông thế hệ thứ 6 (6G). Ứng dụng học máy lượng tử kết hợp cổ điển (hybrid quantum-classical machine learning) nhằm giải quyết các bài toán tối ưu phức tạp trong mạng 6G. Mô hình kết hợp này không chỉ giúp tăng tốc độ xử lý mà còn cải thiện hiệu quả tính toán theo cấp số nhân – điều tối quan trọng trong các hệ thống yêu cầu độ trễ thấp, băng thông cao và hiệu năng vượt trội như mạng 6G. Sự kiện không chỉ có tính chuyên môn chuyên sâu về giao thoa giữa AI, tính toán lượng tử và viễn thông, mà còn là cơ hội quý báu để sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội được trực tiếp tiếp xúc với một trong những tên tuổi đầu ngành. Những chia sẻ của GS. Dương Quang Trung đã mở rộng tri thức và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ kỹ sư trẻ trên hành trình chinh phục khoa học đỉnh cao, mở rộng tư duy sáng tạo trong kỷ nguyên công nghệ mới.

GS. Dương Quang Trung –Đại học Memorial ở Newfoundland (Canada) và Đại học Queen’s Belfast (Anh), Tổng biên tập tạp chí IEEE trình bày tham luận tại hội thảo

Một trong những chủ đề thu hút sự chú ý lớn là bài trình bày của TS. Trần Xuân Nam (Đại học Lê Quý Đôn) về giải pháp truyền thông bằng UAV – máy bay không người lái. Với vai trò như “trạm phát sóng bay”, các UAV có thể mở rộng mạng lưới liên lạc đến những khu vực hẻo lánh, nơi thiên tai xảy ra hoặc vùng sản xuất nông nghiệp cần truyền dữ liệu liên tục.

 

Trần Xuân Nam – Đại học Lê Quý Đôn trình bày tham luận tại hội thảo

My T. Thai, Đại học Florida, Mỹ trình bày chủ đề :“Federated Learning”- hứa hẹn phát triển hay còn là ảo ảnh?.

My T. Thai, Đại học Florida, Mỹ trình bày tại Hội thảo

Diễn giả Gottfried Vossen, Đại học Münster, Đức trình bày chủ đề: Khi trí tuệ nhân tạo (AI) bay lên không gian. AI tạo sinh (GenAI) đã cho thấy tiềm năng biến đổi trong một loạt các ứng dụng – từ tạo văn bản, lập trình đến tạo hình ảnh và video. , GS. Gottfried Vossen (Đức) đã phân tích cách GenAI (AI tạo sinh) bước ra khỏi lĩnh vực văn bản và hình ảnh để hỗ trợ mô phỏng thảm họa, giám sát rừng và quy hoạch hạ tầng. Với khả năng tái tạo dữ liệu địa lý trong thời gian thực, GenAI hứa hẹn sẽ là “cánh tay nối dài” của các nhà quy hoạch đô thị và chuyên gia môi trường. Các mô hình GenAI hiện có thể nâng cao độ phân giải hình ảnh, bổ sung dữ liệu bị thiếu, tối ưu hóa dữ liệu nhiễu và mô phỏng các kịch bản thực tế cả ở cấp độ địa phương lẫn toàn cầu, mang đến những cơ hội mới, ví dụ như giám sát môi trường, ứng phó thảm họa và quy hoạch cơ sở hạ tầng. Những khả năng này được tăng cường hơn nữa nhờ Agentic AI và những tiến bộ trong công nghệ robot. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi những khả năng mạnh mẽ này sẽ sớm được mở rộng sang các lĩnh vực như cảm biến từ xa hoặc các nền tảng trên không như vệ tinh và máy bay không người lái (UAV) hoặc máy bay không người lái.

Gottfried Vossen, Đại học Münster, Đức trình bày tại Hội thảo

Sylvain Guilley, Secure-IC S.A.S., Pháp trình bày chủ đề bảo mật trong trung tâm dữ liệu cho ứng dụng AI, khẳng định an ninh mạng là chìa khóa và đòi hỏi sự tận dụng của nhiều công nghệ, phải được tích hợp liền mạch vào các nhà máy dữ liệu hoạt động trong điều kiện luồng dữ liệu chặt chẽ.

Sylvain Guilley, Secure-IC S.A.S., Pháp trình bày tại Hội thảo

Bên cạnh đó, công nghệ cảm biến cũng là tâm điểm của phiên thảo luận. GS. Koichiro Ishibashi, University of Electro-Communications, Nhật Bản trình bày chủ đề: Cảm biến Beat và mã hóa dữ liệu nhẹ cho các cảm biến IoT cho công suất lớn và tầm xa. Giáo sư đã giới thiệu cảm biến Beat, thiết bị siêu tiết kiệm năng lượng, không cần pin vẫn truyền dữ liệu không dây trong bán kính 2km. Điều này mở ra khả năng ứng dụng cho hàng loạt lĩnh vực: theo dõi môi trường, phát hiện rò rỉ khí độc, quản lý đất đai hoặc điều hành hạ tầng đô thị thông minh.

Koichiro Ishibashi – Trường Đại học công nghệ và truyền thông, Nhật Bản trình bày tại Hội thảo

 Giải pháp số cho nông nghiệp và đô thị thông minh

Điểm đặc biệt của Hội thảo quốc tế “Truy cập Không gian thông minh và Ứng dụng” 2025 không chỉ nằm ở quy mô quốc tế mà còn ở sự gần gũi với nhu cầu thực tế tại Việt Nam. Hàng loạt công nghệ từng được cho là “cao siêu” đang dần trở thành công cụ hiệu quả giúp người nông dân chăm lúa, kỹ sư quy hoạch thành phố, và chính quyền phòng chống thiên tai chủ động hơn.

Không gian hội thảo sôi động với sự góp mặt của các cơ quan như Cục Chuyển đổi số (Bộ NN&PTNT), Bộ Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp công nghệ, giảng viên và hàng trăm sinh viên đến từ nhiều trường đại học.

Phạm Quang Dũng, Phó Trưởng khoa Phụ trách khoa CNTT cho biết: “Hội thảo tập trung lắng nghe, trao đổi về những nghiên cứu tiên tiến, các mô hình thành công. Đồng thời các chuyên gia, đại biểu cũng thảo luận những thách thức và cơ hội mới trong việc áp dụng AI vào sản xuất, quản lý, chuỗi cung ứng trong xã hội hiện đại đặc biệt bối cảnh cả nước thực hiện theo Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.

Phạm Quang Dũng – Phó trưởng khoa phụ trách khoa CNTT phát biểu tại Hội thảo

Các chủ đề trọng tâm được đưa ra thảo luận tại hội thảo bao gồm: phần cứng và đo lường không gian, truy cập dữ liệu thông minh, cảm biến từ xa, bảo mật dữ liệu, mạng lưới truyền thông không gian và đảm bảo chất lượng dịch vụ. Những nội dung này không nằm trong lý thuyết mà là câu trả lời trực tiếp cho những vấn đề Việt Nam đang đối mặt: từ nông nghiệp thiếu dữ liệu, đô thị ngập úng đến thiên tai ngày càng khốc liệt.

Nhiều chuyên gia đánh giá Hội thảo quốc tế “Truy cập Không gian thông minh và Ứng dụng” năm 2025 là bước đệm quan trọng để Việt Nam sớm làm chủ các công nghệ then chốt trong hành trình chuyển đổi số toàn diện. Khi UAV có thể “trồng lúa thông minh”, cảm biến phát hiện sâu bệnh trong đất, và dữ liệu vệ tinh giúp nông dân gieo trồng đúng thời điểm, thì công nghệ không còn là đặc quyền của các cường quốc.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam (trước đây là Trường Đại học Nông nghiệp I) được thành lập ngày 12/10 năm 1956, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ đa ngành, hàng đầu của Việt Nam. Khoa Công nghệ thông tin của Học viện được thành lập từ năm 2005 với 1 PGS, 14 Tiến sĩ và 35 Thạc sĩ được đào tạo từ các trường đại học của các nước có nền khoa học tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Úc, Pháp, Bỉ, Hà Lan.

Khoa Công nghệ thông tin hiện đã đào tạo ngành công nghệ thông tin cả bậc đại học và sau đại học.

Năm 2017, Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt khoản tín dụng 54.2 triệu đô la Mỹ để tăng cường năng lực nghiên cứu, giảng dạy cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Nhờ đó, cơ sở vật chất của Học viện sẽ ngày càng tiên tiến, hiện đại để phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của giảng viên và người học.

Năm 2021 là năm đầu tiên Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển sinh và đào tạo ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo. Là một trong những trường đại học trọng điểm quốc gia, Học viện hướng tới đào tạo các thế hệ cử nhân ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo theo chuẩn quốc tế và nhu cầu sử dụng thực tế tại các doanh nghiệp.

Chi tiết về ngành học này tại:

https://tuyensinh.vnua.edu.vn/nganh-khoa-hoc-du-lieu-va-tri-tue-nhan-tao

Khoa Công nghệ thông tin