Khoa công nghệ thông tin tổ chức nghiệm thu đề tài KHCN cấp Học viện: “Nghiên cứu công nghệ JavaFX, Apache POI và ứng dụng xây dựng phần mềm hỗ trợ giảng viên trong công tác đào tạo”
Ngày 03/02/2023, Khoa Công nghệ thông tin – Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Họp hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Học viện năm 2022 “Nghiên cứu công nghệ JavaFX, Apache POI và ứng dụng xây dựng phần mềm hỗ trợ giảng viên trong công tác đào tạo” mã số T2022-10-40 do ThS. Trần Trung Hiếu làm chủ nhiệm đề tài. Trong khuôn khổ đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu công nghệ JavaFX, Apache POI và ứng dụng xây dựng thành công phần mềm hỗ trợ giảng viên trong công tác đào tạo.
Hội đồng nghiệm thu đề tài gồm 5 thành viên, TS. Nguyễn Công Tiệp là chủ tịch Hội đồng.
Hình 1: Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài
Hình 2: Hội đồng thảo luận, đánh giá kết quả đề tài
Tại buổi báo cáo, thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS. Trần Trung Hiếu đã trình bày báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài.
Ngày nay, chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo là một trong tám lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt ưu tiên cho chương trình chuyển đổi số quốc gia (Báo Dân trí, 2022). Đối với các Học viện, trường Đại học, quá trình chuyển đổi số hướng đến trở thành “Đại học số”, giảng viên và sinh viên là trung tâm của tiến trình chuyển đổi số. Trong các phần mềm xây dựng phục vụ cho chuyển đổi số, phần mềm hỗ trợ giảng viên, sinh viên trong công tác giảng dạy, học tập trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua đã thực hiện chuyển đổi số trên nhiều mảng hành chính, giáo dục đào tạo đáp ứng khá tốt nhu cầu đặt ra đối với giảng viên, sinh viên.
Nhìn chung, phần mềm do các Học viện, trường Đại học xây dựng đã đáp ứng được nhiều chức năng thiết yếu, tuy nhiên vẫn còn đó các chức năng đang đợi phát triển hoặc cần phát triển tối ưu hơn.
Hiện nay, trong hệ thống Website đào tạo của Học viện Nông Nghiệp Việt Nam, chức năng thời khóa biểu còn khó theo dõi khi giảng viên, sinh viên phải dạy và học nhiều nhóm lớp, các công việc điểm danh, cộng trừ điểm sinh viên, ghi chú tiến độ giảng dạy vẫn phải làm thủ công. Việc tìm lịch dạy bù cho sinh viên khó khăn do đặc thù của hình thức tín chỉ không đồng nhất về lịch học của mỗi sinh viên trong nhóm môn học, việc tìm lịch họp bộ môn, họp khoa cũng vậy. Đôi khi thời khóa biểu thay đổi mà giảng viên, sinh viên không kịp biết tới. Trong công tác quản lý danh sách lớp, danh sách thi, danh sách vào điểm, các file excel tải từ website đào tạo định dạng còn chưa chuẩn, giảng viên mất nhiều công sức để định dạng lại nếu không sẽ thiếu các thông tin cần thiết như nhóm môn học, tổ, ghép, ngày thi… Xét trên toàn thể mấy trăm giảng viên, hàng chục ngàn sinh viên Học viện, thời gian lãng phí là tương đối lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Xuất phát từ thực trạng đó, nhóm thực hiện đề tài đã xây dựng thành công một phần mềm cho phép tải dữ liệu thời khóa biểu từ Website đào tạo, tổ chức lưu trữ cục bộ và cung cấp các chức năng hỗ trợ giải quyết các vấn đề đặt ra ở trên.
Phần mềm được xây dựng bằng sử dụng các công nghệ: JavaFX, Apache POI, thư viện Jsoup, Microsoft Access có thể hỗ trợ giảng viên các tính năng sau: Tự động tải thời khóa biểu, danh sách sinh viên các nhóm lớp từ website đào tạo và tổ chức lại cho phép giảng viên xem thời khóa biểu theo từng ngày thay vì phải nhớ theo tuần và đối chiếu theo thứ; Ghi chú tiến độ giảng dạy, bài tập giao về nhà cho mỗi buổi trong thời khóa biểu; Điểm danh sinh viên theo từng nhóm lớp, có thể thêm ghi chú cho từng sinh viên trong mỗi buổi học; Format các file danh sách thi, danh sách lưu điểm bộ môn theo khổ A4 với các đầu mục được căn chỉnh lại cho cân đối,…
Kết quả cxây dựng thành công một phần mềm hỗ trợ giảng viên và sinh viên Học viện có thể theo dõi thời khóa biểu dễ dàng theo từng tuần, từng ngày trong tuần, tìm lịch trống cho nhóm sinh viên, giảng viên. Phần mềm còn hỗ trợ giảng viên quản lý lớp học, định dạng các tệp Excel sử dụng cho hoạt động coi thi, lưu trữ điểm. Phần mềm hiện đã chạy ổn định, giúp cho hoạt động giảng dạy và học tập của nhiều giảng viên, sinh viên Học viện trở lên thuận lợi và tiết kiệm nhiều thời gian công sức. Kết quả nghiên cứu chi tiết của đề tài đã được đăng tải trên website của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến nhận xét của thành viên Hội đồng nghiệm thu, TS. Nguyễn Công Tiệp – Chủ tịch Hội đồng kết luận: Đây là một đề tài khoa học được ứng dụng vào thực tiễn cao. Sản phẩm của đề tài là phần mềm hỗ trợ giảng viên trong công tác đào tạo đã được các giảng viên trong khoa Công nghệ thông tin sử dụng và đánh giá rất cao, phầm mềm chạy ổn định. Kết quả nghiên cứu của đề tài nên được sử dụng rộng rãi đối với giảng viên trong toàn Học viện. Đề nghị nhóm thực hiện đề tài tiếp tục nghiên cứu thêm các phần mềm hỗ trợ phục vụ công tác đào tạo của Khoa cũng như của toàn Học viện và phát triển thành đề xuất đề tài khoa học công nghệ ở cấp cao hơn.
Đề tài được Hội đồng nhất trí nghiệm thu với tổng điểm đánh giá 52,8 điểm và xếp loại Khá./
Một số hình ảnh các giao diện của phần mềm:
Hình 3: Hình ảnh các giao diện chính của phần mềm.
Hình 4: Hình ảnh giao diện phần mềm chức năng điểm danh
Hình 5: Hình ảnh giao diện phần mềm chức năng tìm lịch trống của nhóm sinh viên/giảng viên
Hình 6: Hình ảnh giao diện phần mềm chức năng format file Excel
Hình 7: Hình ảnh file Excel file danh sách sau khi được định dạng lại bởi phần mềm
Hình 8: Hình ảnh file Excel lịch dạy/học được xuất ra từ phần mềm để xem trên di động
Khoa CNTT