Khoa Công nghệ thông tin tổ chức seminar định kỳ ngày 12 tháng 7 năm 2021

Hoạt động seminar khoa học định kỳ của Khoa Công nghệ thông tin luôn thu hút đông đảo cán bộ trong khoa tham gia. Năm học này do dịch Covid-19 nên hoạt động seminar bị gián đoạn một thời gian. Ngày 12 tháng 7 năm 2021, Khoa Công nghệ thông tin đã tổ chức trình bày 02 seminar bằng hình thức trực tuyến trên nền tảng MS Team.

Ứng dụng phương pháp phân tích thành phần chính/nhân tố (PCA/FA) đánh giá CLN hệ thống thủy lợi Liễn Sơn

Phan Thị Thu Hồng trình bày báo cáo: “ Ứng dụng phương pháp phân tích thành phần chính/nhân tố (PCA/FA) đánh giá CLN hệ thống thủy lợi Liễn Sơn”. PCA là phương pháp biến đổi giúp giảm số lượng lớn các biến có tương quan với nhau thành tập ít các biến sao cho các biến mới tạo ra là tổ hợp tuyến tính của những biến cũ không có tương quan lẫn nhau: 1) Giảm số chiều của dữ liệu => Giúp visualization khi dữ liệu có quá nhiều chiều thông tin. 2) PCA xây dựng một không gian mới ít chiều hơn, nhưng lại có khả năng biểu diễn dữ liệu tốt tương đương không gian cũ; 3) Các trục tọa độ trong không gian mới là tổ hợp tuyến tính của không gian cũ (xây dựng những biến factor mới là tổ hợp tuyến tính của những biến ban đầu) 4) Trong không gian mới, các liên kết tiềm ẩn của dữ liệu có thể được khám phá, mà nếu đặt trong không gian cũ thì khó phát hiện hơn. Factor Analysis (FA): là phương pháp phân tích thực hiện giảm chiều dữ liệu từ tập hợp n biến quan sát xuống còn k biến. PCA và FA là những công cụ mạnh mẽ cho phép giải thích toàn diện về bộ dữ liệu lớn và phức tạp về chất lượng nước của hệ thống thủy lợi Liễn Sơn.

                 Slide báo cáo

Ứng dụng công nghệ Blockchain với ngành hàng mật ong

Tiếp theo là báo cáo” Ứng dụng công nghệ Blockchain với ngành hàng mật ong” do ThS. Phạm Thị Lan Anh trình bày. Blockchain là một cuốn sổ cái phân tán được chia sẻ bình đẳng tới các thiết bị, máy tính kết nối vào hệ thống với dữ liệu là bất biến, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình ghi lại các giao dịch và theo dõi tài sản trong một mạng lưới kinh doanh. Với đặc điểm khí hậu thiên nhiên phù hợp, ngành nuôi ong lấy mật của Việt Nam ngày càng trở nên phát triển, hướng xuất khẩu tới các thị trường khó tính như Âu, Mỹ. Tuy nhiên, do dễ bị làm giả, làm kém chất lượng nên vấn đề đặt ra cần có sự kết hợp của các công nghệ hiện đại để theo dõi, giám sát, phát hiện những điểm bất thường trong toàn bộ quy trình nuôi và sản xuất mật ong thương phẩm. Nhìn vào những tính năng nổi bật của Blockchain, nhiều nghiên cứu khoa học ứng dụng đã tiến hành thử nghiệm một số mô hình Blockchain đối với ngành hàng ong mật.

Đông đảo thầy cô tham gia seminar

Blockchain và ngành hàng mật ong_seminar

Tuy báo cáo online nhưng seminar có trên 20 thầy cô tham dự, sau mỗi bài báo cáo đều đưa ra nhiều câu hỏi thảo luận sôi nổi xoay quanh các chủ đề. Thời gian tới, hoạt động seminar của Khoa sẽ diễn ra đều đặn, là hoạt động sinh hoạt chuyên môn bổ ích cho cán bộ, giảng viên trong Khoa.