Mô hình ra quyết định đa tiêu chí và áp dụng vào một số bài toán trong nông nghiệp
“Mô hình ra quyết định đa tiêu chí và áp dụng vào một số bài toán trong nông nghiệp” là sản phẩm của đề tài cấp Học viện: “ Nghiên cứu một số mô hình ra quyết định đa tiêu chí và áp dụng vào một số bài toán trong nông nghiệp”, do Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thảo, bộ môn Mạng và HTTT- Khoa CNTT làm chủ nhiệm cùng với sự tham gia của một số thầy cô và sinh viên trong khoa CNTT.
Mô hình ra quyết định đa tiêu chí (MCDM) được ứng dụng đa dạng trong việc giải quyết các bài toán ra quyết định diễn ra hàng ngày của cuộc sống. Đó là việc xếp hạng các đối tượng dựa trên tập các tiêu chí đa dạng để phục vụ cho mục tiêu của người ra quyết định. Chẳng hạn như sản phẩm của cây ăn quả có thể được đánh giá dựa trên các tiêu chí về năng suất, chất lượng quả, giá thành, tỉ lệ chống chọi với bệnh tật, … Các tiêu chí đánh giá thậm chí còn mâu thuẫn nhau. Chúng được chia thành hai nhóm tiêu chí cơ bản là tiêu chí về lợi ích và tiêu chí phi lợi ích (hay còn gọi là tiêu chí về chi phí). Các tiêu chí có thể có vai trò nặng nhẹ khác nhau trong vấn đề ra quyết định, và nó được đặc trưng bởi trọng số của các tiêu chí trong mô hình MCDM. Có nhiều phương pháp giải quyết các mô hình đa tiêu chí đã được sử dụng trong các nghiên cứu của nhiều tác giả trên thế giới.
Hình 1: Biểu đổ thể hiện các kết quả xếp hạng của ví dụ lựa chọn công thức trồng nấm theo các phương pháp khác nhau
Sau quá trình nghiên cứu, đề tài đã phân tích đánh giá hai mô hình Trọng số cộng tính đơn giản (SAW) và mô hình Tối ưu hóa đa mục tiêu dựa trên phân tích tỉ lệ (MOORA) để giải quyết bài toán MCDM. Nghiên cứu đã đề xuất việc chuẩn hóa dữ liệu để áp dụng rộng rãi hơn cho các lớp dữ liệu có giá trị âm mà các nghiên cứu trước đó không đề cập đến. Đồng thời, trong việc ra quyết định thì thông tin thu thập được nhiều khi cũng không chính xác, chắc chắn. Do đó nghiên cứu đã đề xuất sử dụng entropy mờ để đánh giá trọng số của các tiêu chí, điều này sẽ đánh giá tốt hơn về vai trò của các tiêu chí khi tham gia vào quá trình ra quyết định.
Hình 2: Biểu đồ thể hiện các kết quả xếp hạng của ví dụ chọn phân bón cho cây điều nước theo các phương pháp khác nhau
Mô hình cải tiến được áp dụng vào việc đánh giá lựa chọn công thức trồng nấm và lựa chọn phân bón cho cây điều nước. Kết quả sau khi so sánh với các mô hình khác thì đều cho kết quả tốt. Hơn nữa trong nghiên cứu này chúng tôi đưa vào đánh giá tỉ lệ phần trăm của các đối tượng được lựa chọn để người ra quyết định có cái nhìn trực quan hơn theo quan điểm thống kê. Sản phầm của nghiên cứu đã được cụ thể hóa thành một bài báo đăng trên số 4, năm 2021 Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam: http://tapchi.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2021/04/tap-chi-so-4.2021.5.pdf
Khoa Công nghệ thông tin