Nên Học Chuyên Ngành Gì Trong Công Nghệ Thông Tin ?
Hiện nay, ngành công nghệ thông tin nhận được nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ, đặc biệt là những bạn chuẩn bị bước vào đại học. Tuy nhiên, công nghệ thông tin là lĩnh vực vô cùng rộng, do đó hầu hết các bạn trẻ đều băn khoăn không biết nên chọn chuyên ngành nào thì phù hợp với bản thân và chuyên ngành nào khi ra trường dễ xin việc hơn.
Một số chuyên ngành có thể kể đến như:
- Khoa học máy tính
- Công nghệ phần mềm / kỹ thuật phần mềm
- Hệ thống thông tin
- Mạng máy tính và truyền thông
- An toàn thông tin
- …
Việc lựa chọn học chuyên ngành nào của công nghệ thông tin cũng phụ thuộc vào khả năng của bản thân, định hướng và sở thích của mỗi người, do vậy mà mỗi chuyên ngành đào tạo lại có những tiêu chí phù hợp với những bạn khác nhau
1. Chuyên ngành công nghệ phần mềm
Ngành Công nghệ phần mềm đào tạo những kiến thức liên quan đến quy trình phát triển phần mềm một cách chuyên nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm phần mềm đạt chất lượng cao, đáp ứng các nhu cầu nghiệp vụ cụ thể trong nền sản xuất của xã hội.
Chuyên ngành Công nghệ phần mềm (CNPM) này phù hợp cho những bạn nào thích lập trình thuần túy. Khi lập trình xong, thường ta sẽ tạo ra một sản phẩm gọi là “phần mềm”, “chương trình” hoặc “ứng dụng”. Bạn có biết rằng bạn đang sử dụng phần mềm khắp mọi nơi như: Microsoft Word, Excel, Powerpoint, trình duyệt web Chrome, Firefox,… chương trình chỉnh sửa thiết kế như Photoshop, After Effect, Lightroom, .. thậm chí cả Facebook, Google Search, Zing MP3,… cũng là một dạng ứng dụng. Thậm chí cả hệ điều hành Microsoft Windows hay Linux cũng là phần mềm.
2. Chuyên ngành khoa học máy tính
Là ngành nghiên cứu về máy tính và các hệ thống tính toán, quy trình và cách hoạt động của máy tính, cải thiện và nâng cao hiệu suất cho thuật toán, công nghệ mới, giao tiếp giữa máy tính và con người. Một số hướng đi của ngành này bao gồm: Trí tuệ nhân tạo, Học máy, Đồ họa và xử lý ảnh, …
Khoa học máy tính được biết đến là một ngành học khá nghiên về lý thuyết và học thuật. Cho nên, những người có mong muốn theo đuổi học tập và làm việc trong nhóm ngành này phải là những người có khả năng tư duy logic và óc trừu tượng tốt. Ngoài ra, do những đặc thù của ngành nghề cho nên những người chọn học và làm việc trong ngành Khoa học máy tính, cần phải có tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, chịu áp lực tốt và biết cách quản lý thời gian hiệu quả.
3. Chuyên ngành hệ thống thông tin
Là ngành học trong đó có nhiều yếu tố có mối quan hệ với nhau, cùng thực hiện có nhiệm vụ theo quy trình bao gồm: thu thập, xử lí, lưu trữ và phân phối, thông tin. Sau đó tạo nên một cơ chế phản hồi đáp ứng mục tiêu đặt ra từ trước.
Đây là sự kết hợp giữa phần cứng, phần mềm, mạng truyền thông. Sử dụng để làm nhiệm vụ thu thập, xử lý, lưu trữ, phân phối thông tin và các dữ liệu nhằm thực hiện mục tiêu ban đầu. Sinh viên sẽ được đào tạo để lĩnh hội tư duy về thuật toán, hệ thống, cũng như các kỹ năng thiết kế, tối ưu hóa cơ sở dữ liệu. Bên cạnh đó là vận hành, bảo trì, phát triển hệ thống thông tin.
4. Chuyên ngành mạng máy tính và truyền thông
Là ngành cung cấp những kiến thức tổng hợp liên quan đến mạng máy tính và truyền thông như: chuyển mạch và định tuyến, mạng LAN và WAN, các hệ điều hành, thiết kế hệ thống mạng
Ngành Mạng máy tính & Truyền thông dữ liệu là một ngành nghiên cứu những nguyên lý của mạng, cách thiết kế, xây dựng một hệ thống mạng từ mạng nội bộ cho đến mạng diện rộng có kết nối toàn cầu. Đồng thời ngành Mạng máy tính & Truyền thông dữ liệu cũng cung cấp cho người học những kỹ năng tiên tiến trong việc phát triển ứng dụng trên các hệ thống máy tính nối mạng từ trung đến cao cấp.
Ngành Mạng máy tính & Truyền thông dữ liệu là một ngành phù hợp cho những bạn ham thích khám phá công nghệ, giao tiếp với nhiều người trên khắp hành tinh mà chỉ cần thông qua chiếc máy tính có kết nối mạng. Đồng thời, với những hiểu biết về mạng máy tính, các bạn có thể xây dựng một không gian chuyên môn của mình trên Internet.
5. Chuyên ngành an toàn thông tin
Ngành An toàn thông tin là một ngành rất hấp dẫn những ai muốn tìm hiểu chuyên sâu về mạng, để bảo vệ người dùng và ứng dụng mạng.
Hiểu và làm chủ được những công nghệ bảo mật phổ biến các kỹ thuật mã hóa, giải mã các thông điệp; nắm được cách xây dựng một hệ thống mạng an toàn; cách thức phòng chống các cuộc tấn công từ chối dịch vụ; tìm hiểu cơ chế hoạt động của Virus, Worms, phần mềm độc hại để từ đó phát hiện và phòng tránh
Nếu bạn muốn tham gia mảng an ninh mạng này thì bạn nên học chuyên ngành An toàn thông tin.
Tổng kết:
Công nghệ thông tin là một trong những ngành nghề có triển vọng trên thế giới và Việt Nam không nằm ngoài phạm vi đó. Để có thể trở thành người đón đầu công nghệ, góp phần xây dựng đất nước, các bạn cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về chuyên ngành và niềm đam mê học hỏi. Mong rằng với những thông tin trên, bạn có thể biết được nên học ngành nào trong Công nghệ thông tin để theo đuổi.