Nhóm nghiên cứu mạnh “Ứng dụng Công nghệ thông tin trong nông nghiệp” – Khoa CNTT tổ chức seminar khoa học định kỳ
Ngày 29/8/2022, Khoa Công nghệ thông tin đã tổ chức thành công buổi seminar khoa học với hai chủ đề sau:
Chủ đề 1: “Một số vấn đề về sở hữu trí tuệ và cách viết sáng chế” do PGS.TS. Nguyễn Thị Thủy trình bày.
Chủ đề 2: “Quy trình xây dựng chính sách an toàn thông tin cho tổ chức” do ThS. Phạm Thị Lan Anh trình bày.
Đây là một trong các chuỗi hoạt động thường kỳ của nhóm nghiên cứu mạnh “Ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp” – Khoa Công nghệ thông tin nhằm tăng cường trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu. Tham gia và điều hành chương trình là TS. Phạm Quang Dũng – Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh cùng sự góp mặt của các thành viên trong nhóm, giảng viên và sinh viên của khoa Công nghệ thông tin.
Mở đầu buổi seminar là bài trình bày của PGS.TS Nguyễn Thị Thủy với chủ đề “Một số vấn đề về sở hữu trí tuệ và cách viết sáng chế”. Nôi dung của báo cáo chỉ rõ, sở hữu trí tuệ là tên gọi chung dùng để chỉ sáng chế, nhãn hiệu, quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp và các loại tài sản vô hình khác được hình thành từ hoạt động sáng tạo của trí tuệ. Được sở hữu và có thể tạo ra thu nhập; không tồn tại ở dạng vật chất bất kỳ vì đó là trí tuệ, là sự sáng tạo và tưởng tượng của con người. Quyền sở hữu trí tuệ gồm 2 nhánh: quyền sở hữu công nghiệp và quyền tác giả được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật riêng biệt, cùng bảo vệ thành quả sáng tạo, có nội dung không trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội. Báo cáo đã chỉ ra điểm khác nhau giữa quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ: Quyền tác giả: không cần thẩm định, không yêu cầu phải đăng kí bảo hộ với cơ quan có thẩm quyền để chống lại các hành vi sử dụng trái phép; Quyền sở hữu công nghiệp phải thẩm định và công nhận, phải đăng kí và được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền để được công nhận và thực thi.
Ngoài ra, báo cáo đã đề cập đến những vấn đề cơ bản về sáng chế như: Bằng độc quyền sáng chế; cách xác định một sản phẩm có khả năng bảo hộ sáng chế hay không; hướng dẫn cách soạn thảo một đơn sáng chế. Bằng độc quyền sáng chế chỉ được cấp cho sáng chế có khả năng ứng dụng, thậm chí phải có khả năng “áp dụng vào thực tiễn”. Sáng chế phải là một giải pháp kỹ thuật. Bằng độc quyền sáng chế có thời hạn bảo hộ 20 năm kể từ ngày nộp đơn và có những đặc quyền sau: 1) Có quyền ngăn cấm người khác sản xuất, sử dụng, chào bán, bán hoặc nhập khẩu sáng chế được bảo hộ vào quốc gia mà sáng chế đang được bảo hộ; 2) Có quyền tài sản: cho phép chủ sở hữu quyết định xem ai được phép sử dụng sáng chế được bảo hộ; 3) Có tính lãnh thổ: chỉ có hiệu lực pháp lý ở những nước đã đăng kí và được cấp bằng độc quyền.
Sau bài trình bày, có nhiều ý kiến thảo luận được đưa ra về sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền tài sản; các vấn đề về bảo hộ và bằng độc quyền sáng chế. Qua đó làm rõ được tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng của các giải pháp kỹ thuật về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ và sáng chế hiện nay.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thủy trình bày báo cáo
Tiếp theo chương trình, ThS. Phạm Thị Lan Anh trình bày về chủ đề: “Quy trình xây dựng chính sách an toàn thông tin cho tổ chức”. Công nghệ thông tin ngày càng phát triển, chúng ta thay vì giao tiếp trực tiếp, làm việc trực tiếp với nhau thì đang dần chuyển sang giao tiếp, làm việc trên thế giới số. Môi trường làm việc trên nền tảng của công nghệ thông tin luôn đề ra những thách thức về bảo mật và an toàn thông tin. Báo cáo đã giới thiệu những thành phần cơ bản của một hệ thống thông tin trong một tổ chức, cách xác định các rủi ro có thể có trong quá trình sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin của tổ chức và phương pháp đánh giá, kiểm soát rủi ro về an toàn thông tin cho tổ chức. Từ đó, mỗi cá nhân nâng cao ý thức, trách nhiệm đảm bảo an toàn thông tin trong tổ chức, chung tay đề xuất các quy trình xây dựng chính sách hiệu quả, hợp lý với tổ chức mà mình tham gia.
Bài trình bày của ThS. Phạm Thị Lan Anh
Sau phần trình bày của các báo cáo viên, thành viên tham dự buổi seminar đã có những thảo luận sôi nổi xoay quanh hai chủ đề. Buổi seminar là cơ hội trao đổi học thuật, cập nhật, cung cấp thêm nhiều kiến thức mới, chuyên sâu về các vấn đề cấp thiết thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin hiện nay. Kết quả thảo luận của buổi seminar làm cơ sở để định hướng, xác định chiến lược khoa học công nghệ của khoa Công nghệ thông tin trong thời gian tới.
Khoa Công nghệ thông tin