Những ngành học trên 90% sinh viên ra trường có việc làm
Số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy nhiều ngành “hot” nhưng tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp 12 tháng thấp hơn một số ngành ít người quan tâm.
Ngành “hot” tỷ lệ có việc làm thấp
“Báo cáo tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp giai đoạn 2018 – 2021” được ông Phạm Như Nghệ – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) công bố tại Diễn đàn “Phát triển hợp tác nhà trường và doanh nghiệp” cho thấy tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp 12 tháng những năm gần đây đều ở mức trên 90%, chỉ riêng năm 2019, tỷ lệ này đạt 86,68%.
Biểu đồ về tỷ lệ việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp 12 tháng (Nguồn: Vụ Giáo dục Đại học). |
Đáng chú ý, một số lĩnh vực đào tạo được cho là “ngành hot” nhiều năm nay như: báo chí, du lịch, khách sạn, thú y, kiến trúc, kinh doanh và quản lý… lại không nằm trong top tỷ lệ sinh viên có việc làm cao nhất.
Trong khi đó, một số lĩnh vực ít người học như nông, lâm nghiệp và thủy sản; môi trường và bảo vệ môi trường… tỷ lệ có việc làm gần đây có sự “chuyển mình” nhanh chóng. Điển hình như tỷ lệ ở lĩnh vực môi trường và bảo vệ môi trường năm 2018 chỉ đạt 80,4%, năm 2019 giảm mạnh còn 62,5% thì đến 2 năm tiếp sau đó tỷ lệ lần lượt là 92,3% và 96,3%.
Lĩnh vực nghệ thuật luôn đứng top đầu có việc làm (từ 93 đến 97%).
Riêng lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên nhiều năm luôn nằm top cuối các ngành tỷ lệ sinh viên có việc làm thấp nhất.
Tỷ lệ sinh viên có việc làm theo lĩnh vực đào tạo (Nguồn: Vụ Giáo dục Đại học). |
Trong năm 2021, các lĩnh vực đào tạo tỷ lệ sinh viên có việc làm dưới mức 90% gồm: khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; pháp luật; khoa học sự sống, khoa học tự nhiên; thú y; du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân; dịch vụ vận tải; kiến trúc và xây dựng.
TS Phạm Như Nghệ cho biết tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng không phải thấp; nhiều trường, nhiều ngành ở mức trên 90%. Tuy nhiên, việc khảo sát ở giai đoạn đầu nên chưa phân tích được sinh viên có việc làm đúng ngành nghề đào tạo và mức lương ổn định hay không.
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa trình bày ý tưởng sáng tạo với doanh nghiệp (Ảnh: ĐHBK). |
Nhà trường cần “bắt tay” với doanh nghiệp
Kết quả khảo sát cho thấy tình trạng sinh viên thất nghiệp sau khi đào tạo vẫn tồn tại. Nguyên nhân đến ở cả quá trình đào tạo và nhu cầu thị trường lao động.
Ở phía đào tạo chất lượng của giáo dục ĐH còn khiêm tốn, nhiều khối ngành sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu đầu ra, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Việc hợp tác giữa các trường ĐH với doanh nghiệp mặc dù số lượng không nhỏ nhưng chất lượng và hiệu quả còn rất hạn chế.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh viên một số ngành ra trường tìm việc không dễ vì Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển thị trường lao động nên số vị trí việc làm mới tạo ra hàng năm thường thấp hơn số sinh viên tốt nghiệp ĐH.
Phó Vụ trưởng bày tỏ tình trạng thất nghiệp của sinh viên sau khi ra trường sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chi phí đào tạo, lãng phí nguồn lực xã hội, sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước
Thực trạng tình hình việc làm từ 2018 đến nay (Nguồn: Vụ Giáo dục Đại học). |
Để đào tạo đại học gắn với nhu cầu của thị trường lao động, TS Nghệ nhấn mạnh công tác quy hoạch nhân lực là yếu tố có tính quyết định. Trường ĐH và doanh nghiệp phải có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất các quy chuẩn về đào tạo và các tiêu chuẩn nghề nghiệp.
PGS.TS Mai Thanh Phong – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM – cho biết đơn vị này rất coi trọng liên kết ĐH – doanh nghiệp và xem đây là một trong những yếu tố góp phần không nhỏ cho sự phát triển bền vững của trường.
“Hoạt động liên kết với doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở hướng nghiệp và tuyển dụng mà mở rộng các hợp tác nghiên cứu phát triển, tư vấn, chuyển giao công nghệ, đào tạo nâng cao nghiệp vụ nghề nghiệp, đồng hành cùng các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo”, PGS.TS Mai Thanh Phong bày tỏ.