An toàn thông tin

Giới thiệu chuyên ngành An toàn thông tin

1. Thông tin đào tạo

Tổng số tín chỉ: 128-130 tín chỉ

Thời gian đào tạo: 4 năm

Chương trình đào tạo chuyên ngành ATTT nằm trong khuôn khổn dự án Erasmus+ tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, ba trường đại học Việt Nam gồm Đại học Bách khoa Hà Nội, Khoa Công nghệ thông tin – Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Đại học Bách Khoa – ĐHQG TPHCM cùng phối hợp chặt chẽ với các trường đại học đối tác tại Châu Âu bao gồm Viện Hàn Lâm Grenoble (GIP FIPAG) – Pháp, Đại học Uninettuno -Ý và Đại học Vigo-Tây Ban Nha nhằm xây dựng các chương trình đào tạo bậc đại học và bậc thạc sĩ trong lĩnh vực An toàn thông tin.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung:

Chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin (CNTT), chuyên ngành An toàn thông tin nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chung về lĩnh vực CNTT và chuyên sâu về lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin; giúp sinh viên tốt nghiệp có thể sẵn sàng đáp ứng ngay các yêu cầu của thực tế công việc. Cử nhân tốt nghiệp có khả năng làm việc tại các đơn vị chuyên về CNTT và truyền thông nói chung, chuyên về an toàn, an ninh thông tin nói riêng, cũng như tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng CNTT như các cơ quan hành chính, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông…hoặc có thể học tiếp lên các chương trình sau đại học trong lĩnh vực CNTT.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

Cử nhân chuyên ngành An toàn thông tin sau khi tốt nghiệp đạt được:

MT1. Có phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp tốt, có lòng yêu nghề, năng động, trách nhiệm cao trong công việc.

MT2. Vận dụng được vào thực tế những kiến thức cơ bản về toán, công nghệ thông tin như kỹ thuật lập trình, kiến trúc máy tính và hệ điều hành, cơ sở dữ liệu, truyền dữ liệu và mạng máy tính, công nghệ phần mềm, kỹ thuật mã hoá và giải mã.

MT3. Vận dụng được vào thực tế những kiến thức chuyên sâu về An toàn thông tin như các kỹ thuật mật mã, đảm bảo an toàn trong phần mềm, cơ sở dữ liệu, hệ điều hành, mạng máy tính, an toàn thông tin.

MT4. Sử dụng được tiếng Anh chuyên ngành; Tự tin trong giao tiếp, làm việc được độc lập hay theo nhóm một cách hiệu quả; Thích nghi tốt với các môi trường làm việc.

MT5. Hiểu về sự chuyên nghiệp và trách nhiệm nghề nghiệp đối với kinh tế, môi trường, pháp luật; Tự học hỏi và tiếp cận, áp dụng được các tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực chuyên môn sâu, có ý thức phấn đấu vươn lên.

3. Cơ hội việc làm:

Người học sau khi tốt nghiệp đại học ngành CNTT, chuyên ngành An toàn thông tin có khả năng làm việc tại các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ thông tin nói chung và chuyên về An toàn thông tin nói riêng, cũng như các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng CNTT như: các cơ quan chính phủ, các cơ quan thuộc các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông…. với các vị trí công việc:

+ Lập trình viên

+ Kiểm thử phần mềm

+ Quản trị mạng

+ An ninh mạng

+ Bảo mật cơ sở dữ liệu

+ Phân tích, tư vấn, thiết kế hệ thống thông tin.

+ Kiểm tra, đánh giá, xử lý sự cố an toàn thông tin cho mạng và hệ thống.

– Sau một thời gian tích luỹ kinh nghiệm, cử nhân ngành Công nghệ thông tin có đủ khả năng đảm nhận các chức vụ quản lý như Trưởng nhóm, Quản lý dự án, Giám đốc bộ phận công nghệ thông tin.

– Có năng lực làm việc ở vị trí giảng viên giảng dạy tại các cơ sở đào tạo về CNTT, cán bộ nghiên cứu CNTT tại các Viện, Trung tâm nghiên cứu.