Thông tin tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin
Trong kỷ nguyên công nghệ bùng nổ, công nghệ thông tin luôn giữ vững vị thế là một trong những ngành hàng đầu về nhu cầu nhân lực và tiềm năng phát triển. Vị thế này càng được củng cố trong bối cảnh thế giới bước vào thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, ở thời kỳ Cách mạng 4.0 – mà tại Việt Nam cơ bản là ứng dụng những công nghệ tự động hóa, công nghệ cao, trao đổi dữ liệu… trong công nghệ sản xuất, trong lĩnh vực nông nghiệp. Chính vì lẽ đó, công nghệ thông tin càng khẳng định được tầm quan trọng của mình – vừa là nền tảng, vừa là động lực để bắt kịp đà phát triển của thế giới. Các hệ thống công nghệ thông minh chính là điều kiện để tối ưu hóa năng suất lao động, tiết giảm nhân lực lao động thủ công, tiết kiệm chi phí sản xuất.
Công nghệ 4.0 nâng tầm CNTT?
Cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn đến sự bùng nổ về nhu cầu việc làm ngành công nghệ thông tin (CNTT), mở ra nhiều cơ hội cho các thí sinh yêu thích công nghệ. Giấc mơ tự lực có việc làm tốt lương cao sau khi ra trường giờ không còn quá xa vời với các bạn trẻ. Có thể nói, cách mạng công nghiệp trở thành đòn bẩy khiến thị trường lao động mảng công nghệ cao sôi động hơn bao giờ hết. Theo báo cáo của LinkeIn số lượng việc làm ngành CNTT tăng đột biến, dẫn đầu trong top 20 ngành nghề trong 5 năm trở lại đây. Rõ ràng làn sóng công nghệ mới đã khiến cơn khát nhân lực CNTT tăng cao đến đỉnh điểm..
Ghi nhận trong báo cáo nhu cầu tuyển dụng nhân sự tại thị trường trong nước quý II và dự báo nhu cầu quý III, Navigos Group cho biết nhu cầu tìm kiếm nhân sự trong quý II và nửa đầu năm nay đã tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, công nghệ thông tin/phần mềm là ngành nghề xếp thứ 3 trong nhóm 10 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất. Hiện nay một số doanh nghiệp đang có nhu cầu mở rộng hoạt động trong nửa cuối năm 2023 và một số khác đang trong giai đoạn chuyển đổi, tái cơ cấu dẫn tới nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn kỹ sư công nghệ thông tin. Các nguyên nhân dẫn đến nhu cầu nhân lực IT tăng mạnh trên diện rộng, theo dữ liệu: Việt Nam thu hút ngày càng nhiều công ty công nghệ trong khu vực tìm đến đặt cứ điểm phát triển sản phẩm; làn sóng khởi nghiệp được thúc đẩy và đặc biệt làn sóng chuyển mình của các doanh nghiệp truyền thống sang chuyển đổi số và thương mại điện tử ở nhiều lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp, bất động sản…
Không chỉ doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước, các tập đoàn nước ngoài cũng sẵn sàng “chào đón” nhân sự IT với chế độ phúc lợi và lương thưởng hấp dẫn. Theo thống kê của VietnamWorks, lương và thu nhập của nhân sự ngành này luôn nằm trong nhóm dẫn đầu. Mức lương phổ biến của người mới ra trường, chưa có kinh nghiệm đến nhân viên từ 10,6 đến 15,2 triệu đồng, quản lý từ 22,5 đến 45 triệu đồng, giám đốc từ 67,5 triệu đồng trở lên.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thực sự tạo nên cơn “khát” nhân lực công nghệ thông tin (Ảnh: Internet) |
Chương trình đào tạo
Theo học ngành Công nghệ thông tin, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức liên quan đến nghiên cứu phát triển, ứng dụng hệ thống phần mềm; kiến thức về thiết kế, xây dựng, vận hành và bảo trì các thành phần phần cứng, phần mềm của hệ thống máy tính và hệ thống thiết bị dựa trên máy tính; kiến thức về mạng máy tính và truyền thông; kỹ năng sử dụng thành thạo ít nhất một ngôn ngữ lập trình, ít nhất một hệ quản trị cơ sở dữ liệu; kỹ năng khảo sát, thu thập và xử lý thông tin; kỹ năng giải quyết các vấn đề kỹ thuật phát sinh trong xây dựng, vận hành, bảo trì và bảo mật các hệ thống phần mềm, hệ thống mạng, hệ thống thông tin.
Ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên ngành Công nghệ thông tin còn được trang bị kiến thức ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm, tham gia các buổi kiến tập và thực tập tại doanh nghiệp, tham gia trực tiếp các đề tài/dự án về ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực khoa học khác của Học viện như: điều khiển tự động hóa, thương mại điện tử, quản lý tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp công nghệ cao…
Sinh viên ngành Công nghệ thông tin thảo luận về thiết kế, lập trình web |
Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin có thể làm nhiều công việc khác nhau
Công nghệ thông tin ngày càng trở thành lựa chọn của nhiều bạn trẻ nhiệt huyết, yêu thích lĩnh vực công nghệ. Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin có thể làm các công việc sau:
– Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
– Lập trình viên, kiến trúc sư phần mềm, chuyên viên thiết kế, chuyên viên kiểm thử và kiểm định phần mềm, chuyên viên quản trị dự án phần mềm.
– Nhân viên thiết kế, triển khai hệ thống mạng, quản trị mạng; an ninh mạng, an ninh dữ liệu và phần mềm.
– Nhân viên quản lý, phân tích và xử lý dữ liệu lớn ở các doanh nghiệp, tổ chức; chuyên viên lập dự án, điều phối, hoạch định chính sách phát triển công nghệ thông tin cho các tổ chức, doanh nghiệp.
– Làm chủ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói chung, Khoa Công nghệ thông tin nói riêng đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ thông tin để tuyển dụng sinh viên khi tốt nghiệp như: Công ty Cổ phần phần mềm Nara, Công ty TNHH Công nghệ NCCSoft Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghệ và Đào tạo Hackademics Hà Nội, Công ty TNHH Công nghệ và Đào tạo Devmind, Công ty Cổ phần giải pháp Công nghệ Simax … Hàng năm, Học viện tổ chức Ngày hội việc làm với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp. Theo thống kê của Ban Tổ chức, từ 4000 đến 6000 sinh viên đã tìm được việc làm tại Ngày hội.
|
Theo thống kê của Ban Tổ chức, hàng năm, từ 4000 đến 6000 sinh viên đã tìm được việc làm tại Ngày hội việc làm |
Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Địa chỉ tin cậy đào tạo ngành Công nghệ thông tin
Học viện Nông nghiệp Việt Nam (trước đây là Trường Đại học Nông nghiệp I) đào tạo ngành Công nghệ thông tin từ năm 2002. Để tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên ngành Công nghệ thông tin trong học tập và nghiên cứu khoa học, Học viện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất với nhiều phòng học lý thuyết được trang bị máy tính, máy chiếu, 8 phòng máy, hơn 300 máy tính và hệ thống thư viện hiện đại…
Một buổi thực hành của sinh viên Công nghệ thông tin |
Bên cạnh đó, Học viện quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên giảng dạy công nghệ thông tin có trình độ cao, tâm huyết với nghề, 100% giảng viên được đào tạo bài bản ở các cơ sở uy tín trong nước và thế giới. Theo đánh giá của các chuyên gia và sinh viên, giảng viên Học viện không chỉ giỏi kiến thức chuyên môn, phương pháp sư phạm tốt mà còn đam mê nghiên cứu khoa học và tích cực truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho sinh viên.
Thầy Ngô Tuấn Anh – Giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin, tốt nghiệp tiến sỹ tại Trường Đại học Adelaide, Australia |
Theo học ngành Công nghệ thông tin, sinh viên có cơ hội nhận được học bổng khuyến khích học tập, học bổng tài năng, học bổng sinh viên nghèo vượt khó…với tổng giá trị lên đến 30 tỷ đồng/1 năm. Riêng 01 thủ khoa, 05 á khoa được cử đi du học toàn phần tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Không chỉ vậy, theo học ngành này, sinh viên còn được “hòa mình” vào các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tình nguyện vì cộng đồng và tham gia giao lưu sinh viên quốc tế.
Sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin tham gia chương trình văn hóa văn nghệ của Liên chi đoàn, Liên chi hội Khoa |
Thí sinh yêu thích ngành Công nghệ thông tin và mong muốn được đào tạo tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hãy nhanh tay đăng ký nguyện vọng với các thông tin:
Mã trường | Mã
nhóm ngành |
Tổ hợp tuyển sinh | Phương thức tuyển sinh |
HVN |
HVN14 |
A00: Toán, Vật lí, Hóa học
A01: Toán, Vật lí, Tiếng Anh D07: Toán, Hoá học, Tiếng Anh D01: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh
|
Phương thức 1: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển
Phương thức 2: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (Xét học bạ) Phương thức 4: Xét tuyển kết hợp |
Thông tin liên hệ
Điện thoại: 024.6261.7578/ 024.6261.7520/ 0961.926.639/ 0961.926.939
Website: https://www.vnua.edu.vn/
Facebook: www.facebook.com/hocviennongnghiep