ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ BLOCKCHAIN TRONG QUẢN LÝ SẢN PHẨM MẬT ONG

Trong hai năm gần đây, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng liên tiếp phải đối mặt với những khó khăn, thử thách bởi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch,… đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong bối cảnh hiện tại, điểm đột phá để ổn định tối đa các hoạt động thiết yếu, phát triển kinh tế đất nước chính là việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tế.

Nhận rõ sứ mệnh là nơi đào tạo nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Khoa Công nghệ thông tin – Học viện Nông nghiệp Việt Nam không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như nghiên cứu các công nghệ kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng vào các bài toán thực tế. Một trong những đề tài trọng điểm, có sự tham gia của các thầy cô trong Khoa Công nghệ thông tin cùng sự kết hợp của các chuyên gia trong và ngoài Học viện là đề tài cấp Nhà nước KC 4.0 “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 vào quản lý sản xuất sản phẩm mật ong phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước” (3/2021-10/2023) do TS. Phan Thị Thu Hồng chủ nhiệm.  Đề tài triển khai nghiên cứu các công nghệ tiên tiến hiện nay như công nghệ AI, IoT và Blockchain để đưa vào ứng dụng quản lý sản xuất sản phẩm mật ong.

Hình 1.  Nhóm thực hiện đề tài kí hợp đồng với Bộ Khoa học và Công nghệ

Mật ong thương phẩm là sản phẩm được ưu chuộng cả trong và ngoài nước bởi nhiều ưu điểm như có vị ngọt tự nhiên, có thể thay thế các gia vị tạo độ ngọt như đường mía, đường tinh luyện (vốn có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của con người), là thành phần kết hợp trong nhiều bài thuốc Đông y, dân gian. Tuy nhiên, mặt hàng mật ong lại là mặt hàng dễ bị làm giả, làm kém chất lượng và rất khó để kiểm tra mức độ an toàn của sản phẩm khỏi các tác động xấu như dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc hóa học (trong điều trị bệnh cho ong), nguồn bệnh lẫn trong sản phẩm… Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Việt Nam là một trong các quốc gia có lợi thế cho việc phát triển, sản xuất mật ong thương phẩm để phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, thách thức đối với ngành hàng này là đảm bảo mật ong được sản xuất ra thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, minh bạch, chống giả mạo. Việc ứng dụng công nghệ Blockchain vào thu thập và quản lý nguồn dữ liệu trong suốt quá trình nuôi trồng, chăm sóc ong cho đến khi thu hoạch, vận chuyển, phân phối tới tay người tiêu dùng giúp cho thông tin minh bạch, đóng vai trò như một chứng nhận số về nguồn gốc và chất lượng của mật ong. Đề tài của TS Phan Thị Thu Hồng mở đường cho sự phát triển một hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc mật ong Việt Nam, khẳng định vị thế mật ong thương phẩm của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hình 2. Ảnh thực tế tại trại ong của anh Tạ Quang Kiêm đặt trong rừng cao su tỉnh Đăk Lăk

Với nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu các công nghệ mới, đội ngũ cán bộ, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin tập trung tìm hiểu cơ sở lý thuyết với những đặc trưng cốt lõi của công nghệ Blockchain, những điểm thuận lợi để triển khai công nghệ Blockchain vào bài toán quản lý mật ong kết hợp xây dựng hệ thống theo dõi giám sát, cảnh báo tình trạng sức khỏe của ong mật thông qua ứng dụng nền tảng AI và các thiết bị IoT. Với đề tài này, Khoa Công nghệ thông tin – Học viện nông nghiệp Việt Nam đi đầu trong việc triển khai công nghệ Blockchain đối với ngành hàng mật ong.

Sinh viên, học viên của Khoa Công nghệ thông tin có cơ hội tiếp cận với những công nghệ mới, hiểu hơn về những thách thức đặt ra khi triển khai công nghệ mới vào thực tế tại Việt Nam khi tham gia cùng nghiên cứu đề tài. Với tính ứng dụng thực tiễn cao như của đề tài không những góp phần tạo đà phát triển chuyên môn cho các cán bộ giảng viên mà còn tạo môi trường học tập, nghiên cứu tích cực cho sinh viên, học viên của Khoa Công nghệ thông tin trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Làm chủ được các công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0 như công nghệ Blockchain, AI, IoT, sinh viên, học viên của Khoa nắm chắc cơ hội tìm kiếm việc làm trong thời buổi khó khăn hiện nay.

Phạm Thị Lan Anh – Khoa Công nghệ thông tin